Cách đây 5 tháng, vợ chồng Như Ngọc đưa hai con chuyển về quê ở Khánh Hòa sinh sống. |
“Về biển là ao ước, nhưng không biết sống bằng gì”.
Trước khi dọn hẳn về quê chồng ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa sinh sống, Như Ngọc (31 tuổi) cũng từng đặt câu hỏi như vậy.
Vợ chồng cô kết hôn 8 năm, đều học tập, làm văn phòng rồi kinh doanh tự do tại TP.HCM. Dù ở đây nhiều năm, họ vẫn không có cảm giác đó là nơi có thể gắn bó lâu dài vì cuộc sống, công việc bộn bề, thời gian khi nào cũng gấp rút.
“Tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh, chính mình cũng già đi mỗi ngày. Tôi chưa từng nghĩ phải lao đi kiếm tiền để có nhà, đất rồi mỗi tháng phải lo nghĩ trả các khoản vay. Tôi muốn tận hưởng cuộc sống cùng con, hít thở căng lồng ngực khí trời mát lành, lắng nghe từng cơn sóng đập vào bờ và thả hồn với nắng chiều vàng rực trên con đường làng. Cuộc sống nhẹ nhàng như vậy, cớ sao không trải nghiệm một lần”, cô kể với Zing.
Từ thời điểm gia đình Ngọc quyết định về quê cho tới lúc dọn đồ chỉ trong một tháng. Vợ là người đề xuất, chồng kiểm tra ngân sách cho việc xây nhà, lên thiết kế, đặt thợ xây, xin chuyển trường cho con.
Khi vợ chồng Ngọc báo tin, đại gia đình đều vui mừng chào đón, đặc biệt là mẹ chồng vì được ở gần con, cháu.
Sống đơn giản hơn
Ngọc cho hay để có thể về miền quê biển sinh sống từ 5 tháng trước, vợ chồng cô làm việc chăm chỉ ở thành phố trong nhiều năm với không ít thăng trầm.
Có sẵn mảnh đất mua từ nhiều năm trước, hai người chi 350 triệu đồng xây căn nhà cấp 4 đơn giản. Toàn bộ được sơn màu trắng, xung quanh trồng nhiều cây xanh và hoa.
Sau nhiều năm ngồi ghế văn phòng, vợ chồng Ngọc hiện kiếm thu nhập nhờ kinh doanh đặc sản quê hương. Cô thấy bất ngờ khi cơ hội nghề nghiệp rộng mở, chỉ cần chăm chỉ cũng có thể rủng rỉnh.
“Khi thực sự muốn gắn bó ở nơi nào đó, không quan trọng là làm gì để kiếm thu nhập, mà là hiểu khả năng của bản thân thì ở đâu cũng sống được”, cô khẳng định.
Như Ngọc bất ngờ khi có nhiều cơ hội việc làm khi trở về quê hương. |
Về chi phí sinh hoạt ở quê, Ngọc phải thốt lên “rẻ chưa từng thấy” ngay từ tháng đầu trải nghiệm. Vườn nhà trồng ít rau, nếu hết có thể cắp rổ sang nhà hàng xóm xin. Các gánh hàng trong làng có đa dạng loại rau rẻ và rất sạch, chỉ cần mua 10.000-20.000 đồng là dư ăn cả ngày.
Điều Ngọc thích nhất khi sống ở vùng biển là cá tươi ăn thỏa thích, trung bình 100.000-120.000 đồng/ngày là đủ cho gia đình 4 người. Bữa nào ăn cá ngon hay mua nhiều đồ hơn là 200.000-300.000 đồng, nhưng rất hiếm. Khi chán nấu nướng, cả nhà có danh sách đồ ăn bên ngoài tha hồ lựa chọn, đủ tiêu chí ngon, bổ, rẻ.
“Cả nhà tôi chi tiêu khoảng 100.000-300.000 đồng/ngày. Tính ra, chi phí học hành, ăn uống, sinh hoạt,... cho gia đình 4 thành viên khoảng 10.000-15.000 triệu đồng/tháng khá dễ thở nếu hai người lớn có thu nhập ổn định”, cô nói.
Ở quê, vợ chồng Như Ngọc vơi bớt gánh nặng tài chính so với khi còn ở thành phố lớn. Trong đó, đồ ăn rất rẻ và luôn tươi sạch. |
Không nhớ phố thị
Đến nay, Ngọc không hề nhớ nhung nơi phố thị vì về quê nhận được nhiều tình yêu thương, quan tâm từ gia đình chồng. Cô cũng được gần ba mẹ đẻ ở Nha Trang hơn, chỉ cách 50 km khoảng 45 phút chạy xe.
“Công việc cũng khởi sắc hơn khi tôi chia sẻ cuộc sống ở thôn quê, được nhiều anh chị em, bạn bè từ nhiều nơi biết đến. Mọi người cùng chia sẻ với nhau sở thích về biển, khát khao bỏ phố về quê”.
Cái nắng giòn tan của vùng biển khiến da Ngọc đen nhẻm. Đổi lại, cuộc sống của cô tự do, bình dị hơn bao giờ hết.
“Sáng đi chợ, trưa về ăn cơm với cá, chiều ngồi ở sân nhà ngắm hoa cỏ, mây trời. Cuộc sống an nhàn thảnh thơi, không hề biết chán là gì. Nếu thích cảm giác phố xá nhộn nhịp, tôi chỉ cần chạy xe khoảng một tiếng đến Nha Trang để uống ly trà sữa, cốc bia tươi, ngắm biển, nghe nhạc. Cuộc sống hiện đại, các kênh giao hàng phủ khắp miền quê, cỡ 2-3 ngày là đồ giao đến tận nơi”, cô kể.
Như Ngọc rất thích chăm chút cho ngôi nhà nhỏ đầy cây cối và hoa lá. |
Hai con của Ngọc đang học lớp một và mầm non ở trường công. Chi phí học hành khoảng 1,5 triệu đồng, đã gồm ở bán trú cho bé lớn. Tháng đầu tiên đóng tiền, người mẹ đã thấy vui vẻ khi trước đó, số tiền phải bỏ ra là hơn 10 triệu đồng cho các con học trường tư ở thành phố.
Trong thời đại công nghệ phát triển, đặc biệt là từ sau dịch khiến việc học online càng phổ biến hơn, ngồi ở quê cũng có thể tiếp thu kiến thức ở khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, từ chất lượng trường học, cơ sở vật chất đến trình độ giáo viên ở quê đều khiến Ngọc yên tâm.
Ngoài chuyện học ở trường lớp, hai con của Ngọc được trải nghiệm cuộc sống thực tế khi chơi đá banh, đi bắt ốc, sò, bơi thỏa thích ở biển, cuốc đất trồng rau, cho gà ăn cùng ông bà, khám phá thiên nhiên trên các nẻo đường quê,…
“Hiện tại, tôi rất hài lòng với cuộc sống xa phố và được làm công việc tự do mình yêu thích. Các con cũng trở nên vui tươi, hoạt bát hơn khi tận hưởng tuổi thơ đầy thú vị”, cô chia sẻ.
Bỏ việc, ở nhà chăm con suy kiệt gấp nhiều lần so với đi làmCả ngày quanh quẩn với con trong 4 bức tường, Ngọc Thắm cảm nhận rõ sự mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần. Hải Ninh cũng thấy làm mẹ toàn thời gian vất vả gấp 5 lần khi còn đi làm. |
Bài hát lớn lên cùng con
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.