Câu hò ở xứ Trầm hương

Thứ sáu - 17/09/2021 13:49
Hò là một loại hình phổ biến trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam nói chung và vùng đất Khánh Hòa nói riêng. Những câu hò của người dân xứ Trầm cơ bản mang màu sắc, âm hưởng của khu vực Nam Trung Bộ, nhưng người xưa cũng khéo léo xen lồng vào những chi tiết mang nét riêng của địa phương. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Câu hò ở xứ Trầm hương

Hò là một loại hình phổ biến trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam nói chung và vùng đất Khánh Hòa nói riêng. Những câu hò của người dân xứ Trầm cơ bản mang màu sắc, âm hưởng của khu vực Nam Trung Bộ, nhưng người xưa cũng khéo léo xen lồng vào những chi tiết mang nét riêng của địa phương.


Điệu hò thắm tình quê


Trong những lần tham gia lễ hội Cầu ngư của ngư dân Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang), chúng tôi đều bị lôi cuốn bởi điệu hò bá trạo khỏe khoắn, sôi động: “Khoan khoan hò/Nhất trạo ba/Hò hỡi lơ…/Khinh khinh hề/Tại lân ba…/Thừa phong hành phất, phất/Hố khoan hò khoan...”. Cứ như thế, câu hò câu hát rộn ràng trong suốt hành trình của lễ nghinh ông trên biển về đến sân lăng, sân đình. “Mỗi khi cất lên những câu hò bá trạo, ngư dân chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, thấy vui vẻ, thoải mái. Động lực tinh thần đó càng thôi thúc mỗi người thêm yêu biển, thêm gắn bó với nghề nghiệp mà cha ông lưu truyền và yêu xóm làng của mình”, nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh (phường Vĩnh Nguyên) chia sẻ.

 

Tái hiện màn hò bá trạo trong Festival Biển 2019.

Tái hiện màn hò bá trạo trong Festival Biển 2019.


Có dịp về vùng đất Ninh Hòa hôm nay, rong ruổi trên những nẻo đường quê, nếu may mắn, chúng ta cũng sẽ được nghe những câu hò thấp thoáng sau những rặng tre. Lớp người già ở nơi đây vẫn còn có những cụ thỉnh thoảng cất lên một vài câu hò như một cách để thỏa nỗi nhớ về một thời đã qua. “Hồi nhỏ, tôi thường nghe các bà, các mẹ hò hát mỗi khi làm việc hay lúc nghỉ ngơi. Những câu hò tát nước, hò giã gạo, hò đập lúa được cất lên làm cho không khí xóm làng vui vẻ, thanh bình lắm!”, nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên (thôn Thanh Mỹ, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) cho biết.


Đã bao đời nay, những điệu hò đã đi sâu vào đời sống tình cảm của mỗi người dân xứ Trầm hương. Câu hò như chiếc cầu giao duyên nói hộ lời người con trai với người con gái; thể hiện cảm xúc của người dân trong lúc lao động sản xuất; ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, xóm làng. Cứ như thế, những điệu hò thấm vào tâm hồn của bao thế hệ, nuôi dưỡng đời sống tình cảm của bao người dân.


Nỗi niềm mai một  


Trên dải đất hình chữ S, ở mỗi vùng miền đều có những điệu hò mang đặc trưng riêng. Đó là hò sông Mã của xứ Thanh, hò ví dặm Nghệ Tĩnh, hò Huế, hò Khu V, hò Nam bộ… Mỗi điệu hò đều mang những nét đẹp riêng. Những điệu hò ở tỉnh Khánh Hòa mang âm hưởng, giai điệu, tiết tấu chung của hò Khu V. Mỗi điệu hò cũng gồm 2 vế là vế xô và vế kể. Vế xô mang tính chất giữ nhịp, tạo không khí cho câu hò; vế kể là lời văn mang nội dung của điệu hò. Chẳng hạn, bài Hò ba lý được mở đầu bằng vế xô: “Ba lý tang tình mà nghe/Ta hò ba lý tình tang ba lý tình tang”, tiếp đến là vế kể:  “Trèo lên trên rẫy (mà) khoai lang/Chẻ tre (mà) đan sịa…”.


Những điệu hò của vùng đất Khánh Hòa gồm có hò lao động, hò nghỉ ngơi. Hò nghỉ ngơi thì chúng ta có những điệu hò cụ thể như: hò chèo thuyền, hò đối đáp giao duyên… Còn hò lao động thường gắn liền với một công việc nào đó của người làm nông hay người làm ngư. Công việc nhà nông có các điệu hò tát nước, hò ba lý, hò giã gạo, hò đập lúa. Người dân miền biển có các điệu hò giựt chì, hò mái ngơi, hò mái đẩy, hò kéo lưới, hò bá trạo, hò lưới đăng, hò đầm Nha Phu… Đặc biệt, ở Khánh Hòa có điệu hò chèo thuyền rất nổi tiếng: “Ngó lại/Hớ ơ hớ ơ/Quê mình/Bởi em chèo thuyền/Hơ ớ ơ hơ/Em chèo thuyền trên sông Cái/Em ngó lại quê mình…”. Câu hò nghe mênh mang, tha thiết diễn tả vẻ đẹp của quê hương nhưng cũng ẩn chứa nỗi niềm của tình duyên lứa đôi.


Những điệu hò của người dân xứ Trầm theo thời gian đã dần vắng bóng. Bây giờ, chỉ trong những dịp lễ hội, liên hoan, hội diễn văn nghệ,  những điệu hò mới được cất lên; còn trong đời sống thường ngày, chỉ số ít người lớn tuổi thỉnh thoảng ngâm nga đôi ba câu hò như một cách nhớ về ký ức xa xăm. Trong một bài viết của mình, nhạc sĩ Hình Phước Long đã chia sẻ rằng: “Ngày nay, những câu hò đã vơi dần đi trong tiềm thức của người dân quê mình. Ở phố phường thì tuyệt nhiên không còn ai hò nữa. Ở các làng biển, đến ngày lễ hội Cầu ngư - tế Ông Nam Hải, bà con ta mới nghe lại được các điệu hò trong trò diễn chèo bá trạo. Xong mùa lễ hội, những điệu hò ấy lại rơi vào im lặng…”.  


Những điệu hò là lối hát trữ tình của người dân một thuở,  góp phần vun đắp lối sống nghĩa tình, thân ái trong cộng đồng dân cư. Vậy làm gì để những câu hát đó sống lại trong đời sống hôm nay là câu hỏi cần được tìm lời giải.


Giang Đình

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp