Đến thời điểm này, 72 viên chức là những nghệ sĩ giữ chức danh nghệ thuật hạng IV của các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh Khánh Hòa đã được nhận tiền hỗ trợ do gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Nhưng giá như chính sách được quy định sát với thực tế hơn thì sẽ tránh được tình trạng cào bằng và những dư luận không đáng có.
Sự quan tâm cần thiết
Trong Nghị quyết 68 có nội dung hỗ trợ một lần số tiền 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV. Đây là những người đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 1-5 đến hết 31-12. Tại Khánh Hòa, để kịp thời hỗ trợ những nghệ sĩ thuộc đối tượng nêu trên, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 72 viên chức đang công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh với tổng số tiền hỗ trợ hơn 267 triệu đồng.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn đều phải tạm dừng; đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên vì thế cũng phải nghỉ việc tạm thời từ 4 tháng nay, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và tâm lý của các nghệ sĩ. “Lao động nghệ thuật biểu diễn là loại lao động đặc thù. Những người nghệ sĩ phải có năng khiếu, tài năng và phải được đào tạo bằng nhiều hình thức, thậm chí đào tạo từ nhỏ. Thu nhập của nghệ sĩ hạng IV so với mặt bằng chung của xã hội cũng không cao. Vì vậy, việc có chính sách hỗ trợ đối với nghệ sĩ trong thời điểm khó khăn này đã khích lệ, động viên rất nhiều để mỗi người thêm gắn bó với nghề”, ông Trần Đức Hà - Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng chia sẻ.
Thiếu tiếng nói từ cơ sở
Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 chỉ giao cho các đơn vị nghệ thuật lập danh sách những nghệ sĩ theo đúng đối tượng quy định, không hề yêu cầu phải tổ chức lựa chọn, bình xét đối tượng theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Vậy nên, khi tiến hành thực hiện đã phát sinh chuyện có nghệ sĩ được nhận tiền hỗ trợ nhưng gia cảnh lại không khó khăn; có trường hợp hoàn cảnh khó khăn nhưng lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Có nghệ sĩ tâm sự: “Vợ chồng tôi đều làm diễn viên nhưng chồng tôi là diễn viên hạng III nên không được hỗ trợ, còn tôi được hỗ trợ. Cuộc sống gia đình có sự giúp đỡ của bố mẹ nên dù nghỉ diễn dài ngày nhưng không gặp khó khăn gì. Nhận được tiền hỗ trợ, chúng tôi rất vui vì được Nhà nước quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều người cần hỗ trợ hơn”.
Bà Hoàng Yến - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: “Việc có chính sách hỗ trợ đối với nghệ sĩ là điều rất tốt. Nhưng quy định trong chính sách đưa ra lại không sát với thực tế. Theo tôi, nên có sự rà soát từ từng đơn vị và các đơn vị cũng phải có vai trò trong việc lựa chọn người thực sự có hoàn cảnh để đưa vào danh sách hỗ trợ”.
Cùng quan điểm, ông Trần Đức Hà cho rằng, ở các đoàn nghệ thuật công lập luôn có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên. Vậy nên chăng, trong quyết định hỗ trợ nên giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phối hợp với các tổ chức đoàn thể để lựa chọn ra những người thực sự cần được hỗ trợ; hoặc có thể phân mức hỗ trợ cho từng người bởi nghệ sĩ hạng IV nhưng có thâm niên công tác lâu năm, có tích lũy thì đời sống vẫn ổn định hơn so với nghệ sĩ hạng III mới ra trường đi làm.
Giang Đình