Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 65 ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đây là cơ sở để Khánh Hòa tiếp tục có những chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
Những hạt nhân phong trào
Nhiều năm qua, ông Cao Văn Nghiệp (thôn Bến Khế, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) vẫn luôn truyền dạy cách đánh mã la, trình diễn các loại nhạc cụ của đồng bào Raglai cho nhiều thanh niên trong xã. Trong các kỳ liên hoan nghệ thuật quần chúng, ngày văn hóa dân tộc được tổ chức hàng năm, ông Nghiệp đều tích cực tham gia và động viên lớp trẻ tự tin đến biểu diễn, giới thiệu những cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc. “Mỗi lần được tham gia liên hoan văn hóa, văn nghệ do tỉnh, huyện tổ chức, chúng tôi đều cảm thấy rất tự hào khi có dịp thể hiện tài năng của bản thân và giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc”, ông Nghiệp chia sẻ.
Hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn những hoạt động văn hóa, nghệ thuật của người dân trong vùng, ông Y Hy - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây trực tiếp đi sưu tầm những bộ chiêng, bộ ché, các loại nhạc cụ truyền thống, công cụ sản xuất… của đồng bào Ê Đê. Trong nhà, ông lưu giữ, giới thiệu về những hiện vật của đồng bào. Ông cũng thường tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ để người dân trong buôn làng có dịp được chơi các loại nhạc cụ.
Trên địa bàn tỉnh, hiện vẫn còn nhiều cá nhân âm thầm gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: Mấu Hồng Thái, Cao Lê Dân, Mấu Xuân Điệp, Cao Mai Hùng (huyện Khánh Sơn), Hà Đình Mơ (TP. Cam Ranh), Bo Thị Minh Châu (huyện Cam Lâm)… Đây là những hạt nhân phong trào góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống trong cuộc sống hôm nay.
Dành nhiều sự quan tâm
Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh, các chính sách liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của ĐBDTTS luôn được quan tâm đúng mức, vừa góp phần giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân. Chẳng hạn, huyện Khánh Sơn đã tổ chức các lớp truyền dạy đánh mã la, hát sử thi; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, làn điệu dân ca, dân vũ, biên dịch các loại sách về con người và văn hóa Raglai trên địa bàn. Địa phương cũng tổ chức các liên hoan hòa tấu mã la và múa dân gian Raglai, hội thi già làng khéo tay, thi các trò chơi dân gian... Huyện Khánh Vĩnh tập trung tái hiện các lễ hội văn hóa như: lễ cưới (đồng bào Raglai, T’rin), lễ bỏ mả (đồng bào Raglai, Ê Đê), lễ ăn mừng lúa mới, mừng nhà mới (đồng bào Raglai), hội tung còn (dân tộc Tày). Thị xã Ninh Hòa phục hồi lễ cúng bến nước của người Ê Đê…
Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ như: Ngày văn hóa các dân tộc, liên hoan các làng văn hóa, hội thi tìm hiểu di sản văn hóa, hội diễn nghệ thuật quần chúng... thu hút sự tham gia tích cực của ĐBDTTS. “Thời gian qua, tình trạng “chảy máu” di sản văn hóa vật thể của đồng bào đã được ngăn chặn. Hàng trăm bộ mã la, cồng chiêng, trống, ché, đồ dùng sinh hoạt… của đồng bào đã được gìn giữ tại các nhà dân hoặc nhà truyền thống”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
Theo ông Lê Văn Hoa, nội dung kế hoạch của Bộ văn hóa - Thể thao và du lịch nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp về công tác dân tộc trong tình hình mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác tham mưu, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Trên cơ sở các nội dung của kế hoạch, các địa phương sẽ tổ chức thực hiện tốt các chương trình, chính sách về văn hóa vùng ĐBDTTS. Trong đó, dành nhiều sự ưu tiên đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của ĐBDTTS trong thời gian tới.
Giang Đình