Để người dân đọc sách nhiều hơn

Thứ ba - 07/09/2021 13:31
Trong bối cảnh việc đọc sách trong cộng đồng không còn như trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với quyết tâm và những cách làm mới. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Để người dân đọc sách nhiều hơn

Trong bối cảnh việc đọc sách trong cộng đồng không còn như trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với quyết tâm và những cách làm mới.


Tỷ lệ người dân đọc sách thấp


Hàng năm, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh cung cấp khoảng 6.000 thẻ bạn đọc, phục vụ gần 300.000 lượt bạn đọc với hơn 600.000 lượt sách báo. Mức hưởng thụ bình quân sách trong hệ thống thư viện công cộng là 0,5 bản/người. Mỗi năm, thư viện bổ sung hơn 10.000 bản sách mới, tổ chức hơn 30 cuộc tuyên truyền, trưng bày giới thiệu sách; thực hiện luân chuyển sách cho hơn 100 cơ sở; phối hợp với các trường cao đẳng, đại học, cơ quan thông tin và xuất bản xây dựng vốn tài liệu cho thư viện. Đối tượng bạn đọc đến các thư viện được mở rộng hơn khi thực hiện việc phục vụ tại nơi sinh hoạt của các hội, câu lạc bộ, trường giáo dưỡng, trung tâm cải tạo, trại giam. Nhiều phong trào đọc sách theo chủ đề, cuộc thi tìm hiểu sách, báo được tổ chức.

 

Học sinh thị xã Ninh Hòa tham gia Ngày sách Việt Nam 2021. Ảnh minh họa chụp tháng 4

Học sinh thị xã Ninh Hòa tham gia Ngày sách Việt Nam 2021. Ảnh minh họa chụp tháng 4


Theo ông Nguyễn Châu Hùng - Giám đốc Thư viện tỉnh, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng thực tế số lượng bạn đọc tại các thư viện cấp huyện giảm dần. Các trường học, cơ sở giáo dục đều có thư viện hoặc tủ sách thư viện, nhưng chưa được quan tâm đầu tư, chưa thúc đẩy các em hình thành thói quen và niềm đam mê đọc sách. Hệ thống trung tâm học tập cộng đồng, bưu điện văn hóa xã dù được quan tâm nhưng hiện nay hầu như tê liệt. Chính vì thế, mức hưởng thụ bình quân sách tại thư viện công cộng các cấp mới chỉ đạt 0,44 bản sách/người. Trong khi đó, chỉ tiêu đưa ra cho giai đoạn 2017 - 2020 phấn đấu đạt 1 bản sách/người; bình quân có khoảng 2% dân số của tỉnh đến sử dụng thư viện công cộng cho việc đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu.


Có thể thấy, việc phát triển văn hóa đọc trong điều kiện hiện nay gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các thư viện, điểm đọc sách bị xuống cấp, lạc hậu; nguồn tài liệu chưa được bổ sung kịp thời; việc phục vụ đọc sách lưu động cũng hạn chế. Đội ngũ cán bộ thư viện chưa được đào tạo, bồi dưỡng xứng tầm so với sự phát triển nhanh chóng của ngành thư viện theo xu hướng công nghệ 4.0...


Tiếp tục xây dựng văn hóa đọc


Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ và người dân vùng nông thôn, vùng có điều kiện khó khăn. Cùng với những phương thức truyền thống, sẽ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống thư viện; đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh thành thư viện hiện đại theo mô hình thư viện số và tự động hóa, kết nối liên thông đến các thư viện trên cả nước.

 

Đến năm 2025, phấn đấu 80% học sinh, sinh viên, 25% người dân khu vực nông thôn, 20% người dân vùng có điều kiện khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin ở các thư viện công cộng. Phấn đấu 50% người dân có thói quen đọc sách phục vụ học tập suốt đời; 85% người sử dụng thư viện để phục vụ việc học tập, nghiên cứu. Mục tiêu hưởng thụ sách bình quân là 5 bản/người dân; mỗi người dân trung bình đọc 4 cuốn sách/năm…

Dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc chung của cả nước. Đến năm 2030, người dân trên địa bàn tỉnh có thói quen đọc, có kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, phát huy tốt tại môi trường sinh sống, học tập và công tác. Môi trường đọc, không gian đọc tiếp tục được cải thiện và phát triển theo hướng hiện đại; hoạt động thư viện, xuất bản đáp ứng tốt nhu cầu đọc của người dân; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên thông tin tập trung từ thư viện cấp tỉnh đến cơ sở…


Ông Trần Gia Văn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Theo kế hoạch, sẽ có 6 nhóm giải pháp được triển khai để hoàn thành mục tiêu đặt ra, gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; phát triển văn hóa đọc; hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm; mở rộng hợp tác quốc tế. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang triển khai thủ tục đầu tư dự án phát triển Thư viện tỉnh thành thư viện số và thư viện tự động hóa, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2023”.


GIANG ĐÌNH

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp