Cọp Khánh Hòa qua hồi ức của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer

Thứ năm - 03/02/2022 20:21
Nỗi ám ảnh về cọp không chỉ đè nặng trong tâm trí của người dân xứ Trầm Hương mà còn khiến những người Pháp sống ở đây khiếp sợ. Trong hồi ký Xứ Đông Dương, Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902) đã dành nhiều trang viết để nói về cọp Khánh Hòa với giọng điệu "kính nể"! Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Nỗi ám ảnh về cọp không chỉ đè nặng trong tâm trí của người dân xứ Trầm Hương mà còn khiến những người Pháp sống ở đây khiếp sợ. Trong hồi ký Xứ Đông Dương, Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902) đã dành nhiều trang viết để nói về cọp Khánh Hòa với giọng điệu “kính nể”!


“Vùng hổ”


Theo hồi ký Xứ Đông Dương (xuất bản lần đầu năm 1904), Paul Doumer đến Khánh Hòa lần đầu tiên vào năm 1897 trên chuyến tàu biển khởi hành từ Huế. Trong ký ức của viên toàn quyền người Pháp, Khánh Hòa không giàu, cũng không đông dân, nhưng động vật hết sức đa dạng, trước hết cần nói đến hổ. Hổ ở Khánh Hòa nhiều đến mức những sĩ quan người Pháp khi cập tàu vào Nha Trang đã gọi đây là “vùng hổ”. “Chúng thống trị tuyệt đối và không thể thách thức tại các vùng quanh Nha Trang và cả ở những vùng đất xa về phía bắc và phía nam… Một khi lãnh thổ đã thuộc về chúng, chẳng có gì khiến chúng phải e ngại. Ai muốn giữ mạng thì hãy chạy hoặc trốn. Máu chảy, thịt rơi dưới móng vuốt của lũ thú đói, tàn bạo, hung dữ hơn hẳn bất cứ loài nào khác”, Paul Doumer viết.


Với chúa sơn lâm, con người cũng là một trong những con mồi của chúng, không hề có sự e dè hay phân biệt nào khác. Theo Paul Doumer, thời ấy, mặc dù đã chú ý đề phòng và nỗi sợ hãi đã nhốt người dân trong nhà mỗi khi hoàng hôn buông xuống, số người chết vì hổ ở Khánh Hòa khi ấy khá nhiều. Một nông dân làm đồng về muộn qua quãng đường vắng, một người đi rừng lẻ loi… đều có thể trở thành miếng mồi ngon của hổ.


Nỗi căm thù và khiếp sợ


Chính Paul Doumer đã “nhìn thấy” cảnh tượng kinh hoàng do loài hổ gây ra cũng như lòng căm phẫn của người dân bản địa với loài hổ. Chuyện là, một nhóm người đi làm về, chàng trai 18 tuổi đi sau cùng đã bị hổ vồ trong chớp mắt. Một con hổ lao ra từ khu rừng gần đó, và chỉ bằng hai bước nhảy đã vồ được kẻ xấu số, ngoạm gáy cậu và tót vào rừng. “Một tiếng kêu khủng khiếp, chỉ một tiếng duy nhất, kịp cất lên từ nạn nhân. Tất cả mọi người hoảng sợ, chạy về nhà mình, chỉ trừ một người, đó là cha của chàng trai. Ông như chết đứng tại chỗ, vừa khóc lóc, vừa rên rỉ, vò đầu bứt tóc, bất lực khi con trai phải chết dưới nanh vuốt loài cầm thú ngay trước mắt mình”, Paul Doumer viết.


Cùng thời điểm ấy, một toán lính Việt đang ở trong làng, người cha của chàng trai xấu số đã cầu xin ông Đội (chỉ huy toán lính) tiêu diệt con hổ để cứu lấy con, nếu đã quá muộn thì cũng để trừng phạt con hổ. Trước sự khẩn nài của ông, viên chỉ huy đã cho lính dàn hàng ngang tiến vào rừng và đã hạ sát được chúa sơn lâm sau 2 loạt đạn. “Con vật khổng lồ giãy giụa dưới đất, thân xác thủng lỗ chỗ… Không xa cái xác dài không dưới ba mét của con thú khổng lồ, người ta thấy một phần còn lại của nạn nhân”. Nhìn thấy cảnh đó, bố mẹ chàng trai gào thét bằng cả nỗi đau đớn và lòng căm hờn con thú dữ, chửi rủa, giẫm đạp nó. Những người dân làng chạy đến cũng tức giận và phẫn nộ. Rất nhanh chóng, con hổ bị phanh thây.


Với người Pháp, trong vòng bốn hay năm năm gì đó đã có hai công dân Pháp bị hổ vồ khi cưỡi ngựa trên đường vào cuối ngày, dù có mang theo súng nhưng khi con hổ lao tới họ đã không kịp phản ứng. Hy hữu hơn, trường hợp thứ hai, có hai con hổ lao đến một lúc, một con vồ người, một con vồ ngựa. Một người Việt đi phía sau may mắn thoát chết đã thuật lại câu chuyện khiến mọi người thêm khiếp sợ.


Nỗi sợ hổ đã ăn sâu vào những người sống trên đất Khánh Hòa, kể cả những người Pháp cao ngạo tự cho mình là có sứ mệnh khai hóa văn minh. Có một viên công sứ Pháp bị những người tiền nhiệm dọa rằng “những con mãnh thú đã tỏ ra đặc biệt dữ dằn, thù địch đối với những vị đại diện Pháp trong tỉnh của mình” nên vô cùng sợ sệt. Năm 1899, Paul Doumer cùng bác sĩ A.Yersin, đại úy pháo binh Langlois cùng viên công sứ đi thăm cao nguyên Lâm Viên (Langbiang) để khảo sát xây dựng trạm y tế. Tất cả mọi người đều đi ngựa, riêng viên công sứ ngồi kiệu. Khi màn đêm buông xuống, viên công sứ quá sợ hãi, cảm thấy như lũ hổ đang lượn quanh. Và y đã lệnh cho toán lính vệ binh liên tục nổ súng để xua đuổi thú dữ. Đến hôm sau, viên công sứ đã không thể cùng đoàn quay về vì “chưa hoàn hồn”.


THÀNH NGUYỄN

 

__________________________________________________


Hổ Nha Trang lên báo Anh


Người phương Tây đã biết đến sự hung dữ của hổ Nha Trang từ rất sớm. Ngày 22-7-1888, Thời báo The Cotton Factory Times của Vương quốc Anh đưa tin về vụ hổ tấn công người ở Nha Trang: “Những bức thư mới nhất từ An Nam cung cấp những chi tiết kịch tính về cái chết của M. Benier, người bị một con hổ giết tại Nha Trang. Con hổ đã giết ba người An Nam. M. Benier, một trong những thư ký Chính phủ của địa phận và Cha Auger thuộc Dòng Tên, đã lấy súng trường của họ và truy đuổi con thú hung dữ. Họ nhanh chóng tìm ra dấu vết của con hổ, nhưng con đường quá hẹp đến mức Cha Auger cho rằng nếu truy đuổi con vật thêm nữa sẽ chỉ dẫn đến cái chết của cả hổ và thợ săn. Tuy nhiên, M. Benier bắt đầu một mình với tốc độ nhanh chóng. Nghe thấy tiếng súng trường vang lên. Cha Auger và bảy thợ săn khác lao tới giải cứu. Họ nhanh chóng phát hiện ra con hổ đang cúi mình với chân đạp trên đầu Benier tội nghiệp, người đã bị biến đổi khủng khiếp. Mọi khúc xương trong cơ thể anh dường như đã bị nghiền nát. Tám phát súng trường đã giết chết con hổ, và trong vài giờ, M. Benier chết vì mất máu”.


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp