Những mùa xuân trước đây, những người trẻ có xu hướng du xuân tới miền xa, đất lạ để hưởng trọn vẹn những ngày xuân xanh non của mình. Nhưng có lẽ xuân này, trong thời điểm mà điều kiện được tự do bay nhảy đã không còn như trước thì mới hiểu giá trị của hương vị quê nhà. Đúng như thế! Hương xuân quê nhà có thể giản dị, thân quen tới mức nhạt nhòa vẫn luôn hiện hữu trong tiềm thức của mỗi người, chỉ là người ta có chịu thưởng thức nó hay không. Nha Trang có vị Tết, hương xuân không? Có làm thỏa chí những tâm hồn du xuân ở chốn này không? Thực tế Nha Trang tràn trề sắc màu mùa xuân ấy chứ!
Câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Khi lên non cao đi về biển rộng” như một sự khái quát toàn diện về mảnh đất này. Non cao ở đây là những đỉnh núi sương mờ hay rực trong bầu trời xanh trong. Ngay trong lòng thành phố, Nha Trang có dãy núi đẹp hơn một bức tranh thủy mặc: núi Cô Tiên! Những năm xưa, khi Nha Trang chưa có những tòa nhà cao tầng thì người dân đều ngắm những địa danh kỳ vĩ của mình để yêu thương: Kim Thân Phật Tổ (tượng Phật Trắng) trên đồi Trại Thủy, dòng sông Cái xanh trong với những hàng dừa đổ bóng hai bờ và dãy núi Cô Tiên lấp lánh ánh bạc trên các hóp đá. Chỉ ngắm thôi cũng đã thấy yêu quê hương mình biết chừng nào. Núi Cô Tiên - nơi đây đang là một điểm check in của giới trẻ cuối tuần suốt thời gian qua. Họ cùng nhau, lớn nhỏ leo lên sườn núi, vượt các sườn đồi óng biếc cỏ xanh, hay vách núi kỳ vĩ, tìm điểm cao thích hợp để dựng lều, thắp đống lửa nhỏ để thưởng thức hương vị ẩm thực miền núi cao. Không chỉ thế, đỉnh núi Cô Tiên ngày càng được mọi người chinh phục và thưởng ngoạn màu sắc của đỉnh cao - nơi có thể ngắm bình minh biển hay hoàng hôn để ngắm nhìn “cánh chim phượng hoàng lửa” cất cánh bay lên. Đã có ý kiến rằng núi Cô Tiên là điểm danh thắng cuối cùng trong thành phố Nha Trang chưa được chính thức khai phá nhưng lại bị xâm hại dữ dội với những dự án phi thiên nhiên. Nếu núi Cô Tiên được khai thác đúng nghĩa thì nơi đây thực sự có sức hút kỳ diệu.
Một điểm cao bao la khác đầy huyền tích trăm năm theo bước chân người xưa đó là đỉnh Hòn Bà. Nơi đây, đầu thế kỷ XX đã có dấu chân một con người vĩ đại: bác sĩ A.Yersin. Ai đã đến nơi đây mới càng hiểu Hòn Bà thực sự là viên ngọc quý giá, một “nàng tiên của núi rừng” đúng nghĩa, hiếm có chưa được con người của biển tận hưởng. Có thể hiện tại nơi đây là rừng đặc dụng cần bảo vệ nhưng cũng cần bàn tay con người chăm sóc để đẹp hơn, rực rỡ hơn và hữu ích hơn. Lên Hòn Bà dịp mùa xuân thì đúng cuộc du xuân trọn vẹn bởi có cỏ hoa và muông thú chào đón. Từ đỉnh non cao nhìn về thành phố sáng rực lấp lánh những cao ốc soi mình trên biển xanh Nha Trang. Vì thế, những năm nơi đây có tổ chức du lịch, có rất nhiều người trẻ đã lên đây vãn cảnh miền núi đồi ôn đới.
Lên cao rồi cũng về với biển bởi nơi đó là chốn quê nhà. Nha Trang những “miền xuân cổ tích” đã ghi dấu ấn trong thơ ca đó là phiên chợ Tết ở chợ Đầm, ai đến đây đều biết vẫn còn hương vị của cảnh trên bến dưới thuyền 12 bến nước chưa xa. Đó là các tao nhân mặc khách như Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn của nhóm Tứ hữu Đồ Bàn đã lưu luyến chốn này. Hay các chí sĩ Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu cũng từng ghé làm thơ, ngay cả nhà thơ Sóng Hồng cũng đã dừng chân trên đường làm cách mạng của mình. Nhưng trên tất cả, nơi đây là miền trầm tích của Nha Trang hơn 300 năm rất linh thiêng và đầy lưu luyến, xứng đáng là trái tim hồng của Nha Trang.
Người xưa đã từng ví Tháp Bà Ponagar Nha Trang chính là ngọn lửa vĩnh cửu bên bờ biển xanh để đón chào những người con từ biển về với đất mẹ, là huyền tích thiêng liêng của tôn giáo thờ mẫu hiếm có của miền Nam Trung Bộ còn hiện hữu. Ngày xuân, dù rất quen nhưng khi bước chân lên thềm đá ngắm sắc màu của tháp, người bản địa đều thấy ấm lòng vì như được bàn tay của mẹ chở che đùm bọc. Vì thế, ngày xuân, cùng với đi chùa thì ai cũng đến với Tháp Bà mới gọi là Tết.
Chúng ta cũng có thể đến Hòn Chồng, vào ngôi nhà Việt cổ xứ này để ngắm cái bao la của biển cả đất trời, ngắm những tảng đá diệu kỳ chênh vênh bên sóng vỗ nghìn năm chưa suy chuyển. Nơi đây đúng nghĩa là sự bát ngát của mùa xuân mà quê hương Nha Trang đem lại cho tâm hồn ta.
Những năm gần đây, có một vườn hoa vô cùng độc đáo đó là vườn mai Trường Sơn. Với không gian không lớn nhưng nơi đây là “mảnh vườn quê “rực rỡ, đến đây như cảm giác được trở lại mảnh vườn xưa xa vắng của mình. Cùng với công viên hoa ở Yến Phi hay trải dài dọc ven biển, ngày Tết hôm nay, đi đâu cũng gặp những bồn hoa, luống hoa hay các linh vật Tết. Nếu như còn không gian Biệt điện Bảo Đại thì quả là nơi vãn cảnh vô cùng thanh bình...
Ngày xuân, đi vài vòng quanh thành phố cũng trọn đủ ba ngày Tết ấm áp nhưng khác với du lịch xa luôn làm ta phải khắc khoải nhớ đến quê nhà. Dạo chơi trên mảnh đất quê nhà, mọi thứ đều trở nên trìu mến thân thương như được bước trên mảnh vườn quê xưa còn thấp thoáng trong tiềm thức của nỗi nhớ.
Nha Trang - mùa xuân lấp lánh trên sóng biển xanh.
Lê Đức Dương