“Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” là câu nói ý chỉ khi vừa khai phá thì Khánh Hòa là vùng đất Nam Trung bộ hoang sơ và nhiều cọp. Khánh Hòa có hệ thống núi non trùng điệp, hiểm trở và cứ hễ núi nào rậm rạp là có cọp. “Xứ Trầm Hương” của nhà văn Quách Tấn kể rất nhiều về cọp Khánh Hòa. Đầu tiên là câu chuyện trong truyền thuyết, đến những câu chuyện có thật ngoài đời.
Chử Kroa là ngọn núi thấp nằm ở Khánh Dương, nơi nối liền cao nguyên Ban Mê Thuột với vùng duyên hải tỉnh Khánh Hòa. Núi có nhiều cây cối và phong cảnh thâm u. Trên núi có một tảng đá cao lớn nằm giữa đám cổ thụ sống hàng nghìn tuổi, xung quanh là đá “chất chập chồng thành vồng thành đống và trổ hang trổ hóc, nhiều nơi chứa được cả voi”. Hòn đá khổng lồ này tên là Klé - Lak và được người Thượng xem là hòn đá Thần. Truyền rằng xưa kia nơi hòn đá này là vương cung của vị chúa tể núi Chử Kroa, đó chính là một con mãnh hổ thân lớn như con bò mộng mắt sáng như hai cây đuốc, lông màu xám tro. Tục gọi là Cọp Nhang, là vị Chúa Rừng (Cọp Nhang theo tiếng người Thượng là Cọp Thần). Theo tích xưa thì Cọp Nhang là con trai đầu của tù trưởng bộ lạc núi Chử Kroa, tên là Y D’Ric. Ông tù trưởng còn có con trai thứ hai là Y D’Rang. Tuy nhiên, Y’Dric lại được xem là con của hung thần Ma Lai, mình người, đầu hổ, tay chân vượn do vợ tù trưởng chiêm bao ngủ cùng hung thần mà thụ thai Y D’Ric nên tướng mạo của Y D’Ric hung tợn, có sức mạnh đánh ngã bò đực, lên núi, trèo cây dễ dàng và hay ỷ thế làm nhiều điều bạo ngược. Em trai của Y D’Ric trái lại anh tuấn, thuần lương nên cha muốn nhường chức tù trưởng cho người em. Sợ con trưởng tranh giành nên ông tổ chức mổ trâu, dê làm đại hội để dân làng chọn tù trưởng. Đúng lúc lễ hội diễn ra thì có con mãng xà to lớn lạ thường với bảy cái đầu tìm đến chỗ rượu thịt. Tù trưởng Y Nang nói rằng nếu ai chiến thắng bạch mãng xà thì thay ông làm tù trưởng. Y D’ric rút giáo lao đến mãng xà đánh vùn vụt rất mạnh nhưng cuối cùng cũng đuối sức, sắp bị mãng xà cắn thì em trai Y D’Rang bắn một mũi tên ngay giữa ngực mãng xà và sau đó tiếp tục bắn tên tẩm thuốc độc vào miệng khiến mãng xà chết và Y D’Rang trở thành tù trưởng. Y D’Ric tức giận bỏ chạy vào rừng sâu. Hung thần Ma Lai hiện xuống biến Y D’Ric thành một con cọp xám và phong làm chúa tể vùng núi Chử Kroa ở tại vùng đá Klé - Lak và trở thành Cọp Nhang khiến muông thú phải hầu hạ. Cọp Nhang trả thù xưa bằng cách xuống dân làng quấy nhiễu và cuối cùng bị tiêu diệt. Hòn đá Klé - Lak nhập khí thiêng trở nên linh hiển sau khi Cọp Nhang chết, dân làng không dám đến. Câu chuyện hoang đường nhưng khiến người ta cảm thấy lý thú về vùng đất Khánh Dương - M’Drack ma thiêng nước độc, là nơi xuất phát sơn mạch của nhiều dãy núi Khánh Hòa, nối liền núi Khánh Hòa với cao nguyên.
Là người Nha Trang chắc ai cũng đã từng nghe hai câu thơ của nhà nho thuần phu Trần Khắc Thành:
“Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt
Phước Hải rừng xuân cọp thưởng mai”
Vùng Mả Vòng thời Pháp thuộc chưa có nhà cửa. Tương truyền rằng xưa kia có một khu cổ mộ nằm trong vòng thành xây bằng đá núi và khi đi ngang qua đây, người ta phải đi vòng để tránh ra một phía nên có lẽ cái tên Mả Vòng bắt đầu từ đó. Khi đường Quốc lộ 1 mở thì vòng thành bị phá hủy. Khu này được cho là có rất nhiều ma, cho dù sau khi mả đã dời đi. Phước Hải xưa cũng là vùng hoang vắng với phần lớn diện tích hoa mai vàng bao phủ từ Nha Trang đến Đồng Bò, từ Mả Vòng cho đến bãi biển. Cứ đến mùa xuân là mai nở đẹp cả vùng nhưng không ai dám đến chặt hay thưởng ngoạn vì cọp ở Đồng Bò thường ra đây kiếm mồi. Cọp Đồng Bò gắn liền với núi Hoàng Ngưu. Hoàng Ngưu là do tên Đồng Bò - một cánh đồng dưới chân núi mà ra. Đây là vùng núi bao trùm Diên Khánh - Cam Lâm - Nha Trang chạy ra sát biển trên đèo Cù Hin với ngọn nổi danh là hòn Cầu Hùm hay còn gọi là hòn Con Hin. Núi có nhiều thú dữ và nổi tiếng với câu chuyện bắt cọp. Nguyên xưa ở núi này có một con cọp chúa sống trên vài trăm năm, to lớn dị thường và hung tợn cực độ. Cọp bị què một chân, nhưng lanh lẹ như chớp, thường xuống đồng bằng bắt gia súc, tên bắn không thủng, bẫy không mắc. Ông trấn thủ thành Diên Khánh khi ấy là Nguyễn Văn Thành tìm cách diệt để trừ họa cho dân nhưng bất lực. Ông phải nhờ đến Thiên Y A Na linh thiêng và được ứng mộng bảo gài bẫy trên núi Hoàng Ngưu cúng tế ba ngày đêm. Quan trấn thủ làm theo thì bắt được hùm xám ba chân. Từ đó nơi đây lập miếu thờ bà Thiên Y A Na nơi đỉnh núi và nhân dân đã gọi là núi Cầu Hùm.
Cọp Khánh Hòa có rất nhiều ở núi Phú Như, tục danh là núi Ổ Gà nằm ở phía Tây đèo Bánh Ít: “Cọp Ổ Gà, Ma Đồng Cháy”. Núi Ổ Gà không cao nhưng rậm rạp, cọp sinh sống nhiều hơn các vùng núi khác trong tỉnh. Bài vè Khánh Hòa về vùng núi Ninh Hòa - Vạn Ninh có câu:
“Mây Hòn Hèo
Heo Đất Đỏ
Mưa Đồng Cọ
Gió Tu Hoa
Cọp Ổ Gà
Ma Đồng Lớn”
Nhiều địa phương trong tỉnh có tục thờ ông Cọp như từng có Miếu ông cọp ở Phước Đồng, ở Diên Khánh cạnh Văn Miếu trấn Bình Hòa thờ Khổng tử có bàn thờ Chúa Sơn Lâm dưới gốc cây cổ thụ, miếu thờ ông Cọp ở chùa Suối Ngổ và nhiều nơi khác. Chuyện xưa kể là cọp ở chùa Suối Ngổ xã Vĩnh Phương - TP. Nha Trang không những không gây hại mà còn bảo vệ chùa và dân làng. Hình tượng Hổ cũng được trang trí ở nhiều nơi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, có thể trừ ma tà, trấn giữ các phương. Tết năm Hổ nhắc đến cọp Khánh Hòa trong những trang viết xưa của bậc tiền nhân để cầu mong những điều bình an trong năm mới, đẩy lùi dịch bệnh và hy vọng về sự phát triển như mãnh hổ trong tương lai của vùng đất xứ Trầm, biển Yến.
Khánh Thùy