Tôi rời Việt Nam vào những ngày cuối năm dương lịch, sau một tháng di chuyển giữa Ninh Hòa và Sài Gòn cùng một tuần cách ly ở Nha Trang. Hai năm không về vì dịch Covid-19, bao tháng bao năm cho đủ với niềm thương nỗi nhớ chốn này? Cho tới tận lúc tôi rời đi, gió mưa vẫn chưa chịu xa rời phố xá quê nhà. Đêm. Ngoài cửa sổ mưa rơi tí tách, tiếng cóc, nhái, ễnh ương như bản đồng vọng đất trời giữa đêm khuya thẳm tối. Đồng ruộng xứ này giờ hầu như đã nhường lại cho phố thị, dự án, những căn nhà gạch cao tầng. Nhưng đâu đó giữa những khoảng trống nhỏ nhoi, thanh âm của làng quê năm cũ, tiếng vọng của tuổi thơ mấy mươi năm trước lại ùa về nghe rưng rức hết cả dạ lòng.
Mỗi sáng, ngớt mưa, mở cửa sổ phòng nhìn xuống vườn chuối nõn xanh, cây bưởi ngát hương, mớ mãng cầu dai và ớt xiêm xanh rờn giữa màu xám xịt của đất trời, tự nhiên nghẹn lòng quá đỗi. Vườn cây trái ba tôi trồng, sau hơn 12 năm ngày ba mất, cây nào giờ cũng trĩu cành, sai quả, một năm mấy mùa ra hái vô ăn. Chỉ có người xưa giờ biền biệt phương xa. Mớ chuối ấy chị bảo dành cho Tết chặt xuống đơm cúng ông bà. Nhà mình chỉ một buồng là đủ, còn nhiêu mang cho anh chị em xóm giềng. Bưởi nhìn nhỏ vậy chứ tới Tết lớn là vừa, hái vô chưng bàn thờ. Gió mưa quá nên mớ gà giò nuôi mấy tháng nay bị dịch chết gần hết một nửa, chứ không đem đi bán cũng được ít tiền lì xì tụi nhỏ cho vui. Giờ điều kiện kinh tế cũng đỡ hơn xưa. Cháu con có đồng ra đồng vô dằn túi. Không như tụi tôi hồi đó, coi mớ tiền lì xì là tài sản vô giá, dằn túi xài nhin nhín mấy tháng trời.
Sáng nào tôi cũng ngồi trên xích đu nhà chờ chị mua đồ về ăn, bật iPhone nghe nghệ sĩ Minh Phụng với Mỹ Châu xuống câu vọng cổ mà nhớ ba quá đỗi. Hồi đó mỗi lần về, sáng nào hai cha con cũng ra sân ngồi tư lự bên nhau. Cùng là đàn ông nên đâu nói được những lời tình cảm, hoa mỹ. Chỉ lặng lẽ nhìn và cảm nhận tình thương vô bến vô bờ không gì đong đếm được. 12 năm chia biệt, những gì của ba má vẫn không suy suyển tí nào. Vẫn là phòng của ba, nhà của má, cuốn sách của ông nội, cái tủ, cái bàn của bà nội… Kỷ vật còn đây vậy mà người đã hóa khói sương.
Bạn bè bảo còn hơn tháng nữa là năm mới rồi, sao không ở lại ăn Tết rồi đi? Thiệt tình cũng muốn lắm chứ, nhưng biết làm sao hơn khi bên kia bờ Đông nước Mỹ công việc vẫn rất nhiều. Và tôi còn có một gia đình nhỏ bên ấy đang ngóng chờ, trông đợi. Lần thứ hai trong nhiều năm đành lỡ hẹn với mùa xuân Ninh Hòa. Chiều đi ngang những con đường nho nhỏ ở Ninh Giang, đã thấy bà con cẩn thận, chắt chiu chăm sóc từng chậu cúc đại đóa mà lòng chộn rộn. Dù ở đâu trên trái đất này, từ những thành phố nổi tiếng như: New York, Washington D.C, Paris, London, Dubai hay các thị trấn đèo heo hút gió, chỉ cần thấy chậu cúc đại đóa là biết xuân đã về cùng trời đất. Tôi vốn “đạo” hoa cúc nên quanh năm suốt tháng hầu như tuần nào trong nhà cũng có cúc vàng với trắng để chưng trên bàn thờ Phật. Tết đến, ở Việt Nam hay Mỹ cũng ngập tràn sắc vàng của cúc. Hè vừa rồi tôi lại mê thược dược. Tôi trồng cả mấy chục củ trước cổng công ty. Nhìn hoa, chạm hoa, ngửi hoa, nghe cả quê hương ngập tràn trong tâm tưởng. Tự nhủ với lòng, năm sau sẽ về, đi mua cúc, thược dược, vạn thọ chất đầy nhà cho thêm phần rực rỡ. Mà năm nay, dịch bệnh vẫn còn, gió mưa chưa ngớt, bà con bán buôn làm ăn cũng chẳng được gì. Có lẽ đây sẽ là một trong những cái Tết buồn nhất trong đời của người dân quê dãi nắng dầm sương.
Chị ngồi lặng lẽ xếp đồ vào vali. Này là mấy cái áo dài đủ màu cho cháu xúng xính mặc đi chùa trong 3 ngày lễ Tết. Kia là mớ hột dưa để tụi tôi ngồi buồn miệng cắn cho vui. Mớ mứt dừa, mứt gừng bạn bè tặng mấy ký vì biết tôi thèm ngọt. Mứt sớm nên được làm cẩn thận và ngon ơi là ngon. Dừa béo, gừng thơm và nồng nàn như tình thương của bè bạn. Chị cẩn thận gói ghém, bao bọc thiệt kỹ mấy chồng bánh tráng Phú Yên cho khỏi bể. Tôi mê lắm vị dẻo của bánh tráng gạo không pha mì. Mỗi ngày nhúng chừng 3 cái ngồi ăn với kiệu và dưa món chấm xì dầu là nghe mùi Tết thơm lừng trên đầu lưỡi.
Chị lấy cả trăm gói xôi bắp với đậu đen trong tủ lạnh ra bỏ vô thùng xốp. Thiệt tình mà nói, tôi ăn xôi khắp cả thế giới rồi, nhưng không nơi nào bán xôi bắp ngon như Ninh Hòa. Có nhiêu đâu, 5 ngàn đồng một gói thôi. Bắp nhiều hơn nếp, trộn lẫn vào nhau thành xôi dẻo nhẹo. Thêm dừa tươi bào thành sợi và làm mỡ hẹ xanh rưới lên mỗi gói xôi cho béo kèm gói muối mè. Giữa ngày đầu năm giá lạnh xứ người, không gì sung sướng hơn bằng việc hâm nóng gói xôi bắp rồi lấy muỗng múc từng hột chầm chậm bỏ vô miệng, cứ như sợ gói xôi tan biến mất đi, không còn vị quê nhà đâu nữa hết.
2 ký măng khô có thể coi là món quà quý nhất lần này. Đâu có bao nhiêu tiền, nhưng chẳng hiểu sao chỉ cần nhìn nó thôi là xúc động quá chừng, ký ức tuổi thơ ùa về nghe rưng rức. Người Ninh Hòa hầu như Tết nhất nhà nào cũng có một nồi măng hầm trứng. 28 Tết, má sai chị lấy măng đem ngâm chừng một đêm. Xả nước, bóp cho sạch mớ phẩm màu còn sót lại, sau đó ngâm thêm nước nữa, rửa sạch là ngon. Má chất măng bên dưới, thịt ba chỉ xắt khúc bỏ bên trên, cứ thế từng lớp thịt chồng lên lớp măng. Trứng vịt luộc chín, lột vỏ bỏ thêm vô. Nêm gia vị đủ đầy, để lửa liu riu, hầm từ sáng tới tối. Thịt ra mỡ, thấm hết vào trứng và măng. Càng hầm, măng càng thấm và mềm. Ngon kinh khủng, kèm bánh tét hay cuốn với bánh tráng Phú Yên không món nào bằng.
Những món quà này dễ dàng mua được ở Ninh Hòa và cũng không khó tìm lắm (nếu có nhiều tiền) ở Mỹ, nhưng cái tình cái nghĩa thấm đậm thì chẳng bạc tiền hay của vàng nào đong đếm được. Giữa trời lạnh cắt thịt cắt da của mùa xuân xứ Mỹ, được ngắm cúc vàng đại đóa, nghe mùi nhang trầm thoang thoảng khắp không gian, nhìn bàn thờ ông bà bánh trái đủ đầy, ăn miếng mứt, uống miếng nước trà, cuốn miếng măng hầm với bánh tráng kèm củ kiệu và dưa muối, mới hay rằng Việt Nam là hai tiếng gọi vô cùng thiêng liêng, món ăn quê là chiếc cầu nối vô hình giữa những người con thiên di khắp nơi trên quả địa cầu và quê hương giữa những ngày tưng bừng đón Tết.
Nguyễn Hữu Tài