Những ngày đầu xuân, chúng tôi tìm về làng di sản văn hóa Phú Lộc (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) nằm nép mình bên dòng sông Cái hiền hòa. Vừa qua khỏi chợ Thành, đi ra đến bờ sông, phóng tầm mắt về phía bên kia đã thấy ngay khu dân cư trải dài, quanh co theo dáng hình sông mẹ. Những ngôi nhà mái ngói nằm nép mình dưới những rặng dừa, lũy tre xanh mướt soi bóng xuống lòng sông xanh mát. Theo lời của các cụ cao niên trong làng, xưa kia chưa có cầu bắc qua hai bên bờ sông, dọc các triền sông có nhiều bến đò ngang chở khách qua lại. Dù trải qua bao thăng trầm, nhưng làng quê Phú Lộc vẫn giữ được vẻ đẹp thuần hậu với hàng cau, vườn dừa thẳng tắp. Những đêm trăng, dưới ánh sáng huyền ảo, hình ảnh những linh vật long, lân, quy, phụng… trên những mái đình, mái chùa cổ kính như tăng thêm vẻ linh thiêng.
Làng Phú Lộc xưa có 3 ấp: Thượng, Trung, Đông. Trước khi sáp nhập vào thị trấn Diên Khánh như ngày nay, làng Phú Lộc thuộc xã Diên Thủy với 2 thôn Phú Lộc Đông, Phú Lộc Tây. Còn ngày nay, làng Phú Lộc được chia ra thành các tổ dân phố. Theo ông Nguyễn Văn Thích - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Khánh Hòa, tìm hiểu về làng Phú Lộc, chúng ta càng có nhiều cơ sở để xem đây là một trong những làng cổ của những cư dân theo chân Chúa Nguyễn đến định cư ở đất Khánh Hòa vào giữa thế kỷ XVII. Sở dĩ có thể khẳng định điều đó là bởi số lượng các di tích lịch sử, văn hóa đang hiện hữu nơi đây, những tên gọi Phú Lộc, Diên Thủy gợi nhắc nhiều đến tên những làng quê xứ Huế.
Làng quê Phú Lộc đất không rộng, nhưng lại tập trung đông dân cư. Và cư dân nơi đây đã tạo nên bề dày văn hóa với hơn 20 di tích vẫn còn phát huy giá trị vào đời sống tinh thần của người dân. Không quá khi gọi làng Phú Lộc là làng di sản văn hóa. Nơi đây có di tích cấp quốc gia Văn miếu Diên Khánh; có di tích cấp tỉnh Đình Phú Lộc; hệ thống di tích Miếu thờ Thiên Y A Na với 4 ngôi miếu Tam Tòa, Cây Ké, Cổ Chi, Tứ Chánh. Trong làng có đến 4 ngôi chùa lớn với kiến trúc, hoa văn, họa tiết nghệ thuật điêu khắc tinh xảo; 24 nhà thờ họ. Tất cả những di tích, di sản văn hóa đó đều có số lượng lớn so với quy mô của một làng quê.
Dân làng Phú Lộc bao đời nay cũng nổi danh với những nghề thủ công truyền thống. Nghề đúc đồng Phú Lộc với sản phẩm chủ yếu là các loại đèn thờ, lư hương, chuông, linh vật phục vụ cho nhu cầu tâm linh. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, người dân nơi đây đã chế tạo vũ khí cho nghĩa quân đánh giặc. Nghề làm nón tuy chỉ có vài chục gia đình theo đuổi, nhưng hình ảnh những người bà, người mẹ cặm cụi chằm nón, đan nón với đôi tay thoăn thoắt cũng mang đến những nét đẹp riêng. Ngoài ra còn có nghề làm bánh tráng, làm bún, làm phở cũng góp phần tạo nên sắc màu cho làng quê nơi đây. Trong những ngày đầu xuân, cùng về với làng di sản văn hóa Phú Lộc để cảm nhận được tình đất, tình người nơi đây.
Giang Đình