Mỗi vùng đất - miền quê đều có những điều thiêng liêng, thú vị, nặng tình, nặng nghĩa mà mỗi người đều mong tìm hiểu, khám phá. Là người cầm bút, điều kiện nghề nghiệp càng giúp cho nhà văn - nhà báo Lê Đức Dương thực hiện những ước muốn của mình, đó là viết lên những tình cảm, nghĩ suy với mảnh đất sinh ra và lớn lên, trưởng thành.
Hãy bắt đầu từ trang viết của Dòng sông với đôi bờ ký ức để hiểu vì sao tác giả lấy tên của tác phẩm này đặt cho tập sách của mình. Thì ra lý do bình dị mà sâu sắc: “Sông Cái Nha Trang không chở nặng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng, không dữ dội oai hùng, không quá nên thơ nhưng với chiều dài theo năm tháng của mình, dòng sông đã bồi đắp cho hậu thế những di sản văn hóa nghìn năm cổ tích và 350 năm hiền hòa; tạo dựng cho Nha Trang một nền văn hóa hiền hòa, sang trọng đầy kiêu hãnh như bóng dừa vươn cao bên bờ sông lấp lánh”. Ai đó đã viết “chúng ta sinh ra từ những dòng sông”, các nền văn minh trên thế giới cũng được xác lập và tạo dựng từ những dòng sông. Với Nha Trang nói riêng, Khánh Hòa nói chung đó là sông Cái. Phải chăng dòng sông ấy không chỉ “tạo dựng” cho miền đất mà cả “nền văn hóa” cho mỗi cư dân, trong đó có tác giả. Bạn đọc chắc sẽ thích thú và cuốn hút khi đọc những trang viết lý giải về lai lịch, ngọn nguồn đầy bi tráng của dòng sông.
Đọc cả tập sách, ở bất kỳ ghi chép - tản văn nào, bạn đọc cũng thấy sự hòa hợp của “ba nhà trong một”: nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn của tác giả. Có lẽ vì thế mà trang viết nào, bài viết nào cũng đầy ắp tư liệu, dạt dào cảm xúc và nặng nỗi suy tư. Cả một không gian và thời gian được gói ghém trong những hoài niệm xưa và nay, trong những trăn trở nên - không nên của một miền đất trầm tích văn hóa và sôi động đổi thay…
Qua tập sách, bạn đọc sẽ được thưởng thức biển qua ngòi bút của người con gắn với biển, hiểu hơn về biển với những phát hiện thú vị, tinh tế của biển cả: Nhớ biển, Hoài nhớ biển xưa, Cánh chim câu trên sóng, Khi biển về nơi chân sóng, Con đường vàng Nha Trang… Những hoài niệm năm xưa, cùng bao trăn trở qua mỗi trang viết đã làm cho Dòng sông với đôi bờ ký ức không dừng lại ở những nỗi niềm thương nhớ mà còn đánh thức những giá trị nhân văn mà cuộc sống hôm nay đang dần phai nhạt, mất mát. “Biển của ngày xưa, cái gì cũng thuần khiết và hồn hậu, bãi cát mịt mù sương khói những hàng cây, các mảng xanh của rau muống biển trải dài” (Hoài nhớ biển xưa). “Vấn nạn lớn mà biển Nha Trang đã rất lâu tới giờ vẫn chưa khắc phục nổi đó là dòng sông Cái ô nhiễm vẫn đổ ra biển hàng chục tấn rác thải mỗi ngày. Đường biển đã mở thênh thang, Nha Trang có theo kịp không? (Con đường vàng Nha Trang).
Tôi thích thú và tâm đắc với những phát hiện mang tính chất “nghề nghiệp” của tác giả qua mỗi trang văn của mình. Bạn đọc cũng có thể được “trở về” những năm tháng chưa xa nhưng nhiều hoài nhớ của Nha Trang, nhâm nhi một chút quá vãng nhiều xao động qua loạt bài: Ly cà phê dưới vòm xanh xưa, Cổng chợ Đầm Tết xưa, Nở hoa trước ngõ, Tô canh ngọt cá liệt, Làng hoa xuân trong ký ức…, những trang viết cho ta thấy thêm “thế mạnh” của cảm xúc và ngòi bút của tác giả, nhắc xưa để bồi đắp thêm cảm xúc, nghĩ suy cho hôm nay. Bạn đọc cũng có thể bất ngờ khi cùng tác giả được dịch chuyển thời gian theo mỗi tiết, mỗi mùa với những hoa quả đặc trưng: Hoa tháng ba, Quả hồng của mẹ, Lá sen, Hoa vạn thọ, Hương sắc mùa thu, Lẵng hoa chào hè, Vạt cải mùa đông… Những trang viết làm ta bồi hồi, háo hức cùng dòng chảy thời gian với những đạo lý sống cao đẹp.
Tập sách còn có những bài viết về Hà Nội mà tác giả có nhiều kỷ niệm gắn bó, những bài viết về Tết xưa mà đến nay vẫn còn tươi rói trong ký ức và nỗi niềm; những bài viết về sự hình thành và phát triển, cả lịch sử cũng như tương lai của thành phố biển Nha Trang thân yêu… Một tập sách mang đến nhiều cảm xúc, nhận thức với bạn đọc trong dòng chảy thời gian: quá khứ - hiện tại - tương lai. Ở đấy mỗi người hiểu hơn, trân quý hơn cuộc sống này và càng thấy trách nhiệm của mình với chính cuộc sống ấy.
Cuối cùng, tôi không thể không nhắc tới Bữa cơm bạn bè của bố trong tập sách. Chỉ là ghi chép chân thực của người con mỗi năm đưa cha đến cơ quan cũ dự buổi tất niên mà sao cảm động, bâng khuâng. “Người cũ cảnh xưa”, nhưng cũng chính tác giả - người con cảm nhận được “Tất cả đó là thời gian của 30 năm trước” của bố rồi sẽ đến mình… Sự tiếp nối của tình cha con, của xã hội, quê hương chính là sợi dây kết nối và lưu giữ mỗi chúng ta với cuộc sống này. Cảm ơn tác giả đã cho mỗi độc giả hiểu hơn lẽ sống bình dị ấy.
Nguyễn Đức Quang