Sáng 12-1, tại TP. Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị - hội thảo tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong nước. Tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, cùng các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp liên quan tham dự.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa; thảo luận về những vấn đề chung của Luật Di sản văn hóa; những quy định của luật trong các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, bảo tàng…
Ngày 29-6-2001, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2002. Đến năm 2009, Luật Di sản văn hóa được sửa đổi, bổ sung một số điều. Sau hơn 20 năm được ban hành và thực hiện, Luật Di sản văn hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện với 1 luật, 1 luật sửa đổi, bổ sung; 7 nghị định của Chính phủ; 3 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 17 thông tư, 8 quyết định, 3 chỉ thị theo thẩm thẩm quyền… Từ đó, di sản văn hóa là lĩnh vực chuyên ngành có hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sớm nhất trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trao tặng khen thưởng các cấp cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật Di sản văn hóa.
N.T