Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Thấm dần những điệu bài chòi

Thứ sáu - 14/01/2022 13:46
Năm thứ 2 thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi, các cơ quan, địa phương liên quan đã nỗ lực khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 để đưa những câu hô, điệu hát bài chòi trở lại và lan tỏa trong đời sống người dân. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Thấm dần những điệu bài chòi

Năm thứ 2 thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi, các cơ quan, địa phương liên quan đã nỗ lực khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 để đưa những câu hô, điệu hát bài chòi trở lại và lan tỏa trong đời sống người dân.


Linh hoạt hình thức phổ biến


Theo kế hoạch thực hiện đề án trong năm 2021, thị xã Ninh Hòa là địa phương được chọn thí điểm phục dựng nghệ thuật bài chòi dân gian thông qua hoạt động câu lạc bộ (CLB). Địa phương đã tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin của thị xã dưới nhiều hình thức khác nhau. Đối với hoạt động của CLB bài chòi dân gian, mặc dù từ cuối tháng 5 đến hết tháng 11-2021 phải tạm dừng vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng trước đó, địa phương cũng kịp trình diễn được 44 đêm tại địa điểm chính ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, cùng 4 xã, phường Ninh Quang, Ninh Hà, Ninh Giang, Ninh Thủy. “Hoạt động hô bài chòi của CLB đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Bình quân mỗi đêm trình diễn có từ 100 đến 150 lượt người đến xem và tham gia chơi, nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu, số lượng người đến các điểm tổ chức hô hát bài chòi từ 250 đến 300 lượt mỗi đêm. Hoạt động trình diễn CLB bài chòi dân gian đã mang đến những giá trị tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân”, ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa cho biết.

 

Hoạt động trình diễn nghệ thuật bài chòi dân gian ở thị xã Ninh Hòa. Ảnh minh họa

Hoạt động trình diễn nghệ thuật bài chòi dân gian ở thị xã Ninh Hòa. Ảnh minh họa


Sở Du lịch cũng là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi. Năm 2021, sở đã in ấn, phát hành 60 panô cỡ nhỏ bằng 3 thứ tiếng Việt, Nga, Trung. Mới đây, sở đã in 2.000 tờ gấp tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật bài chòi và gửi về cho 10 địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp nhận sử dụng. Các địa phương như: TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm cũng đã tuyên truyền, phổ biến nghệ thuật bài chòi thông qua việc lồng ghép vào các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp.


Với vai trò chính trong việc thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát huy di sản nghệ thuật bài chòi, Sở Văn hóa và Thể thao đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh triển khai thực hiện. Qua đó, Bảo tàng tỉnh đã điều tra lập 60 hồ sơ khoa học về các nghệ nhân, CLB, gánh hát; sưu tầm được 100 kịch bản, tuồng tích, 26 công trình nghiên cứu, bài viết, 261 hình ảnh tư liệu và gần 100 đạo cụ, trang phục về nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh được giao nhiệm vụ thực hiện sân khấu hóa học đường với nghệ thuật bài chòi, nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên đơn vị đã điều chỉnh sang hình thức ghi hình trích đoạn bài chòi Trần Quốc Toản ra quân và phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, đồng thời đưa lên trang thông tin điện tử của Sở Văn hóa và Thể thao, cung cấp đĩa DVD cho một số trường học tại các địa phương có di sản bài chòi.


Tiếp tục bảo vệ, phát huy


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trong năm qua gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19. Nhiều hoạt động, nhiệm vụ đã không diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, các địa phương, đơn vị cũng đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao hoặc chuyển đổi hình thức thực hiện để phù hợp với tình hình thực tế. Chính vì thế, di sản nghệ thuật bài chòi vẫn được phổ biến và dần lan tỏa trong đời sống người dân. Những nghệ nhân, làn điệu, hiện vật, tư liệu… về nghệ thuật bài chòi được quan tâm tìm hiểu và làm phong phú thêm vốn di sản nghệ thuật bài chòi của Khánh Hòa.


Năm 2022, hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi tiếp tục được thực hiện. Các đơn vị, địa phương liên quan sẽ triển khai 5 nội dung chính gồm: In ấn phẩm tư liệu nghệ thuật bài chòi; tổ chức hoạt động sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi; duy trì hoạt động 1 điểm trò chơi dân gian hô bài chòi giàn 9 chòi tại thị xã Ninh Hòa; tuyên truyền về di sản văn hóa nghệ thuật bài chòi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; giới thiệu, quảng bá nghệ thuật bài chòi trong môi trường du lịch. Cụ thể, các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp của Sở Văn hóa và Thể thao sẽ in ấn tư liệu về kịch bản, tuồng tích, cách chơi bài chòi giàn, nghệ nhân, nhạc cụ, trang phục, con bài… của nghệ thuật bài chòi dân gian; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học để thực hiện hoạt động sân khấu học đường. Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa phổ biến đến các doanh nghiệp du lịch trong việc tuyên truyền, sử dụng, khai thác giá trị nghệ thuật bài chòi trong các tour du lịch. Thị xã Ninh Hòa sẽ tổ chức tập huấn và thành lập 1 CLB hô bài chòi ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các huyện, thị xã, thành phố: Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, Nha Trang, Cam Ranh tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi; bố trí kinh phí thực hiện, lồng ghép nghệ thuật bài chòi vào các hội thi, hội diễn, liên hoan, lễ hội... để tạo môi trường hoạt động cho các nghệ nhân.


Hi vọng rằng, trong năm thứ 3 thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm những chuyển biến mới để loại hình trình diễn dân gian này ngày càng được người dân, du khách quan tâm nhiều hơn.


Giang Đình


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp