Tuổi thơ, những ngày Tết luôn là những ngày được mong ngóng, hạnh phúc nhất. Tết là được nghỉ học, được mặc quần áo mới, được vui chơi... Và ngày vác cái rổ theo chị qua bác Ba ăn đụng heo luôn là ngày đáng nhớ nhất trong những kỷ niệm về ngày Tết. Bao nhiêu năm đã trôi qua, những kỷ niệm trong trẻo về ngày ấy cứ mãi tươi rói trong ký ức.
Đụng heo có nghĩa là mấy nhà chung nhau làm một con heo đón Tết. Việc đụng heo được các nhà hứa hẹn từ giữa năm. Nói chuyện ăn đụng heo có lẽ chỉ những người sống ở quê mới biết, vì hiện giờ ở nhiều vùng quê vẫn giữ nếp này. Còn lứa trẻ sống ở thành phố nghe chuyện này thì tròn mắt: Thịt heo ê hề trong các siêu thị, bán xếp lớp ngoài chợ hơi sức đâu mà mổ heo? Chúng đâu biết một thời trước đây chưa xa, đây gần như là dịp duy nhất trong năm người ta mới được ăn thịt heo…
Thời bao cấp, mọi nhà trong xóm đều vào hợp tác xã. Nhà nào cũng ráng nuôi heo để bán nghĩa vụ cho Nhà nước, tức là quy định một hộ trong năm phải bán cho Nhà nước bao nhiêu ký heo với giá Nhà nước quy định. Bán đủ nghĩa vụ thì mới được cấp cho tiêu chuẩn mua hàng đối lưu: xà bông, phích nước, phụ tùng xe đạp, vải vóc… Và nhất là có heo dư ra ngoài nghĩa vụ thì mới được mổ chia nhau đón Tết. Chưa thực hiện nghĩa vụ mà dám mổ heo, thì đó là cái tội tày đình.
Nghĩ lại sao thời đó nuôi heo ở quê cực gì đâu. Cám thì từ nguồn xay giã gạo của nhà, nhà đông người ăn sẽ có nhiều cám hơn nhà ít người. Nhà tôi neo người nên thức ăn của con heo tội nghiệp chỉ có chút cám nấu với dọc mùng, trộn toàn là thân chuối xắt, rau cỏ vớ vẩn mà hai chị em nhặt nhạnh quanh vườn. Con heo đói ăn nên nuôi cả năm chỉ cỡ 40 ký, mông nhọn như dùi nhưng vừa đủ suất nghĩa vụ. Thế là mừng rồi, giờ chỉ còn chờ đến ngày đi đụng heo thôi.
Đụng heo ngày ấy tùy điều kiện từng gia đình mà đụng nửa con, 1 đùi hoặc nửa đùi. Một đùi có nghĩa là con heo mổ xong chia làm 4 phần đều nhau. Nửa đùi thì lấy một phần đó chia đôi tiếp. Tất tần tật đều được chia, từ quả tim, quả bồ dục cho đến chút nước luộc lòng…Nhà tôi nghèo lại ít người nên chỉ dám đụng nửa đùi. Nhớ khi tụi trẻ đi chăn bò, háo hức khoe nhà mình chuẩn bị Tết ra sao, gói bao nhiêu bánh, ăn mấy đùi heo… tôi toàn lảng ra một góc.
Ngày đụng heo là ngày vui nhất của lũ trẻ, bởi tụi nhỏ sẽ được cái đuôi luộc, được trái bong bóng. Lăng xăng vòng ngoài phụ người lớn, xách nước, nhặt rau, rửa hành…mắt ngong ngóng nhìn con heo đang cạo lông. Khi mổ ra, bác Ba sẽ đưa cho tụi nhỏ cái bong bóng (bàng quang heo). Hì hụi lùi tro, chà rửa thật sạch rồi kiếm ống đu đủ luồn vô thổi cho căng tròn, phơi ra bờ rào. Khi bong bóng khô là tụi tôi có trái… bóng bay ngon lành.
Chờ nồi luộc lòng, thủ heo mới là nỗi thèm khát, sung sướng của tụi nhỏ. Cả đám hau háu nhìn cái nồi sôi sùng sục đoán xem cái đuôi heo bé tí nằm góc nào. Chốc sốt ruột, có đứa nhắc chừng, bác Ba ơi chín rồi. Bác Ba chỉ nhìn tụi nhỏ cười hiền từ. Bác thừa biết tụi nhỏ mong gì, nên khi cắt cái đuôi, bác luôn cắt thật sâu để cái gốc đuôi thêm thịt. Mắt liếc đám nhỏ để coi mấy đứa, tay múa dao, bác chia cái đuôi bé tí đủ mỗi đứa một miếng. Đứa nhỏ được phần gốc, đứa lớn phần chót đuôi, theo thứ tự vậy. Cả lũ sung sướng cầm phần đuôi, hít hà chưa ăn vội, đứa nọ ngó đứa kia xem đứa nào ăn trước để mình vẫn còn... Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy miếng ăn nào ngon ngọt như khúc đuôi heo tí teo ngày ấy.
Nửa buổi, việc chia thịt cũng xong. Tôi bưng nồi nước luộc lòng theo chị đi về, mắt dán vào chiếc rổ chị cắp bên hông. Thịt sống nằm dưới đáy rổ, phủ trên chiếc lá chuối tươi, trên cùng là phần lòng chín chút xíu được chia. Nhìn trái bồ dục được chia 4, bé xíu mới hấp dẫn làm sao. Tôi vừa lỏn lẻn xin cho em ăn nhé thì bị chị cú cho một cái đau điếng: Chưa cúng mà đòi ăn hở? Rồi chị cười: Trưa nay cúng xong, chị để dành cho…
Hai chị em đi trong màn mưa bụi. Khói lam cứ luẩn quẩn mái bếp nhà ai, và trong xóm thi thoảng có tiếng pháo tạch đùng…
Thủy Ngân