Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Nét hóm hỉnh trong ca dao ở Khánh Hòa

Thứ ba - 10/08/2021 15:41
Cũng như nhiều vùng đất khác, Khánh Hòa có một kho tàng thơ ca dân gian rất đồ sộ và đa dạng về đề tài. Trong những vỉa quặng lấp lánh ấy, có hẳn một dòng câu ca hóm hỉnh, tự trào. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Cũng như nhiều vùng đất khác, Khánh Hòa có một kho tàng thơ ca dân gian rất đồ sộ và đa dạng về đề tài. Trong những vỉa quặng lấp lánh ấy, có hẳn một dòng câu ca hóm hỉnh, tự trào.


Xưa nay, nói về cảnh nghèo, người ta hay kêu trời, kêu đất, than thân, trách phận. Nhưng ở Tu Bông người nghệ sĩ dân gian có một kiểu tự trào rất lạ: Nhà tôi giàu nhất Tu Bông/Trâu heo, ruộng đồng đều của người ta. Nếu không lạc quan yêu đời thì khó mà có câu ca trên. Cũng lấy cảnh nghèo khó ra để cười, ca dao ở Khánh Hòa còn có câu: Nghèo rồi còn sợ chi nghèo/Chỉ lo qua với bậu chẳng được leo chung giường.


Ca dao là loại hình sáng tác mang tính quần chúng, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống. Trong quá trình lao động, để vơi đi những mệt nhọc, sự ra đời của những câu ca mang tính hài hước là điều rất cần thiết. Những anh chồng lười biếng, hay những người vợ không biết lo lắng cho việc gia đình cũng xuất hiện trong ca dao dân gian Khánh Hòa. Chẳng hạn như: Chồng người lo bảy, lo ba/Chồng em ở nhà sợ rụng lông chân, hay Vợ người đi cấy lấy công/Vợ mình chỉ thích lông bông ăn quà. Vợ chồng giận nhau đôi khi cũng trở thành nụ cười như trong câu ca đối đáp của vợ chồng anh chàng ở Hòn Vung (Ninh Hòa): Khoai lang Hòn Chúa/Đậu phộng Hòn Vung/Chàng bòn, thiếp mót, đổ chung một gùi/Chẳng qua duyên nợ sụt sùi/Chàng giận, chàng đá cái gùi lăn đi/Chim kêu dưới suối Từ Bi/Nghĩa nhân còn bỏ, huống chi cái gùi!


Trong tình yêu đôi lứa, khi không thích nhau người ta tìm cách thoái thác. Chàng trai người Khánh Hòa vào thời xa xưa nào đó, có cách từ chối khá ví von: Bao giờ Đồng Cháy hết ma/Ổ Gà hết cọp thì ta lấy mình! Ngược lại, si tình quá mức cũng tạo nên tiếng cười như anh chàng sau đây: Sông Dinh có ba ngọn nguồn/Anh nhớ em, băng đèo vượt suối/Nhưng không biết đường tìm đến thăm em/Ghé vô chợ Ninh Hòa mua một xâu nem/Một chai rượu bọt, anh uống cho say mềm/Để quên nỗi nhớ thương…


Ca dao ở Khánh Hòa cũng có không ít câu dùng nụ cười để phê phán. Có những người nói một đường nhưng làm một nẻo tạo thành tiếng cười như: Thương mình biết mấy là thương/Thịt cá ăn hết cái xương cho mình. Còn đây là tiếng cười dành cho những kẻ không lo học hành, chỉ lo lăng nhăng: Học hành ba chữ lem nhem/Thấy gái thì thèm như chửa thèm chua. Hay như câu ca sau đây cười về một kiểu tình bạn: Bạn bè thân thật là thân/Có tiền thì gần, tiền hết biệt tăm.


Chế giễu trò làm ăn ma mãnh của đám thầy bói, thầy cúng trong ca dao dân gian của người Việt ở Khánh Hòa cũng có nhiều câu khá lý thú. Chẳng hạn như: Lên Thành ghé lại cửa Đông/Nhờ thầy xem tuổi lấy chồng được chưa/Thầy nhìn bụng rồi phán bừa/Bụng này sao nói là chưa có chồng; hay Thầy cúng miệng đuổi tà ma/Mắt lại nhìn gà nghĩ tới lá chanh.


Cười để phê phán đám quan lại xấu xa hà hiếp nhân dân vốn là nội dung được đề cập khá nhiều trong ca dao ở các vùng, miền. Trong ca dao dân gian Khánh Hòa cũng có một số câu tạo được dấu ấn riêng. Chẳng hạn như: Mưa nào nhiều bằng mưa Đồng Cọ/Gió nào nhiều bằng gió Tu Bông/Đêm khuya nhà vắng bóng chồng/Quỷ ma chẳng sợ, sợ cha Lý trưởng lông nhông mò vào…


Hoàng Anh

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp