Nha Trang những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Cũng như mọi người, mình ở trong nhà, loanh quanh với mạng Internet, xem tivi, đọc sách... Thực phẩm cần thiết thì đặt mua trên mạng, có người giao tận nhà... Bước ra cửa, dù đi đổ rác, cũng đeo khẩu trang cẩn thận...
Thành phố du lịch luôn tất bật và ồn ã ngày nào giờ lại yên tĩnh đến vậy. Nhìn con đường phía trước vắng vẻ, chợt nhớ quay quắt những ngày dịch chưa bùng phát...
Hồi đó, sáng nào mình và mấy người bạn cũng dậy sớm, dạo vài vòng quanh công viên bờ biển rồi chơi vài séc cầu lông. Dù không còn trẻ, nhưng khi vào sân, ai cũng múa may, hò hét... hệt như những đứa trẻ. Giờ thấy nhớ bạn, nhớ sân, nhớ biển quá!
Mình nhớ cái chợ chồm hổm cuối đường. Những buổi sáng, trên đường ra biển, mình thường rẽ qua mua thực phẩm. Chợ nhỏ nhưng đầy đủ các thứ: Rau tươi, thịt, tôm, cá... Các hàng ăn sáng như xe bánh mì, quán phở, thúng xôi... cũng có mặt, giá cả rất phải chăng. Người bán, người mua quen nhau đến độ thân thiết, mua 1.000 - 2.000 cũng rất vui vẻ. Những hôm mưa to, chợ vẫn đủ đầy, chỉ khác là người bán hàng sùm sụp trong áo mưa. Có lần, mình ái ngại hỏi cô Tâm bán rau: “Tưởng hôm qua mưa to, cô không bán hàng chứ”. Tâm cười: “Có chứ chị. Ở nhà hôm nào đói hôm đó”...
Mình thường mua các thứ cần thiết rồi gởi lại chỗ Tâm, khi từ biển trở về mới lấy. Không chỉ một lần, bịch hàng của mình không còn. Tâm nhìn quanh, buồn xo rồi quay qua an ủi: “Có thể người ta xách nhầm chứ không ai tệ thế đâu. Thôi, chị cứ lấy thứ khác đi”. Mình trả tiền, Tâm cương quyết xua tay: “Không, coi như em bù”. Tấm lòng của Tâm mình nhận, nhưng không thể nhận những đồng tiền mồ hôi nước mắt của em. Giãn cách thế này, không biết Tâm kiếm sống bằng cách nào?
Những buổi sáng, người phụ nữ bán bánh ướt trên vỉa hè tên Bảy luôn xởi lởi: “Hôm nay chị ăn gì?”. Nhà chị ở xã Diên Điền, sâu trong ruộng. Ngày nào cũng vậy, chị dậy từ 3 giờ, đến các lò tại Diên Khánh lấy các loại bánh: Ướt, bèo, hỏi, bánh canh và bún... rồi đến Nha Trang bán. Mình ái ngại: “Xa nhỉ”. Chị lắc đầu cười: “Đi riết cũng quen”. Mình hỏi tiếp: “Ngày lụt thì sao?”. Chị buồn buồn: “Lụt ít thì dắt xe lội, ngập sâu quá thì đành ở nhà”. Giờ giãn cách, chị không phải đi 15 cây số bán bánh nhưng lấy gì để nuôi cha mẹ già và 3 đứa con nhỏ?
Khi chưa giãn cách, con đường trước nhà mình luôn đông nghịt xe các loại xe. Giờ, trong sự yên tĩnh của những ngày giãn cách, chợt nhớ tiếng còi xe ầm ĩ, tiếng động cơ ầm ầm, tiếng bước chân rậm rịch, tiếng nói cười râm ran... làm nên những âm thanh đặc trưng của một thành phố du lịch.
Hồi ấy, ngày Chủ nhật, hội bạn bè hay đại gia đình nhà mình thường tụ tập tại nhà ai đó. Sau những bữa ăn ngon, các nhóm chia nhau ra: Trẻ con chơi đồ chơi, thanh niên tám chuyện showbiz, trung niên nói chuyện thời sự, người già kể chuyện ngày xưa... Rôm rả đến độ quên cả thời gian. Vậy mà khi chia tay vẫn bịn rịn. Giờ giãn cách, nhớ da diết không khí ấy, với những bữa cơm đầm ấm, những cuộc chuyện trò lan man không bao giờ chán. Đành thỉnh thoảng gọi điện thoại, nhắc nhở nhau giữ gìn sức khỏe, chú ý tuân thủ 5K để an lành, hẹn nhau ngày hội ngộ khi dịch được đẩy lùi.
Mình hay nhớ những buổi chiều khi chưa giãn cách, lang thang trên đường Trần Phú, căng ngực đón làn gió biển mát rượi, hít thở không khí trong lành, ngắm những hàng cây cảnh được tỉa tót đẹp mắt. Buổi tối, đi dạo trên con đường đẹp nhất Nha Trang này không chỉ là thú vui của mình mà của rất nhiều người khác. Lạ một điều, dù đi hàng trăm lần, ngắm những cảnh sắc tưởng chừng như không thay đổi ấy, mình chưa bao giờ thấy chán.
Cầu mong dịch mau qua. Cầu mong tất cả chúng ta bình an!
Duy Thảo