Cảm tưởng cuộc sống của chúng ta đang hối hả, tất bật, vùn vụt trôi theo thời gian với tốc độ của đoàn tàu cao tốc, chợt có một cú thắng gấp… khiến tất cả đổ xô, chồng đống dúi dụi lên nhau, không theo một trật tự nào. Hành khách nào cũng cố mà chui ra khỏi cái đống hỗn độn ấy với tất cả khả năng của mình. Chui ra khỏi đó để chui vào thế giới riêng của mình, và đột nhiên nhận ra một điều, những ngày này nhu cầu cơ bản nhất của con người trong xã hội là được giao tiếp, được gặp gỡ nhau đột nhiên trở thành thứ xa xỉ.
Nha Trang những ngày này yêu cầu người dân không ra đường ban đêm, từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Đêm mùa hè ngột ngạt mà vắng đến lạnh người. Leo lên tầng thượng, nhìn thành phố tĩnh lặng trong ánh đèn đường, những cánh cửa khép kín, những cao ốc tối thui thấy trong lòng nhói lên những nỗi niềm. Thành phố này có bao giờ nghĩ tới một hình ảnh kỳ lạ đến thế này không? Thầm mong mấy bác tài chạy xe cứu thương thôi đừng hú còi nữa, đường phố quá vắng rồi mà.
Trong những ngày giãn cách vừa qua, bỗng thèm được nhìn thấy gương mặt người thân, những gương mặt không bị khẩu trang che kín. Thèm được nghe giọng nói chứ không phải những dòng chữ chạy vèo vèo trên điện thoại… Cơ hội để được thể hiện tình cảm bỗng dưng quá hiếm hoi. Má ở quê nghe thành phố đóng cửa chợ, rau cỏ khó khăn, cứ điện thoại lên hoài, hỏi cách sao gửi cho cháu chục trứng với chút rau ăn cho đỡ xót ruột. Nghe mà chỉ biết cười giả lả nhưng mắt rưng rưng: “Má ơi, tụi con không có thiếu gì hết, chỉ có thiếu má thôi”. Vậy là điện thoại cấp kỳ cho cô em gái ở quê, kiếm mua cho má cái điện thoại nói chuyện Zalo được để má thấy hình. Bà cụ già cả đời chưa bước chân khỏi làng quê quá 3 ngày nhưng với lòng thương nhớ con cháu vô bờ, cũng học được cách chọt chọt điện thoại để thấy được hình cháu. Từ bữa có điện thoại, má tươi hẳn lên… Khi nhu cầu đơn giản nhất của con người trong đời sống xã hội là giao tiếp bị ngưng đọng, thì chính má lại làm cho mình sáng mắt. Người bỗng như mạnh mẽ hơn, thích ứng hoàn cảnh nhanh hơn, dám vượt qua chính mình để học cách chọt chọt điện thoại, để xích gần con cháu hơn chính là má. Ô hay, vậy mà mình hơi chút muốn đổ quạu là sao?
Những ngày này, ai có cha mẹ già mới hiểu nỗi lòng của những người luôn có một nỗi lo bất an đến thắt ngực. Người già như chuối chín cây, nay ốm mai đau biết đâu mà lường. Ngày thường thì chả sao, có gì kêu 115 chạy tới bệnh viện là ổn. Nay thì nơm nớp khi các cụ trái gió trở trời, đau ốm lúc này biết đi khám, đi chữa ở đâu? Tự mua thuốc đã phiền phức mà bệnh viện nào cũng hạn chế khám chữa bệnh, thủ tục vô được nơi khám thì nhiêu khê, test nhanh test chậm… Rồi ai mà biết khi mình đang test, bao nguy cơ rình rập xung quanh? Rồi những người già đang nằm viện, cả nhà phải dành hẳn một người túc trực, bởi đâu có dễ được thay người chăm nom?
Rồi lỡ chẳng may… Thôi không dám nghĩ đến nữa. Bởi mẹ anh bạn mới mất, nhà trong khu bị phong tỏa. Đám tang đã buồn, nay càng buồn hơn khi chỉ có mấy người trong gia đình ngồi bơ phờ. Con cháu, họ hàng ở xa không về viếng được thì đành một nhẽ, chứ ngay cả bạn bè, hàng xóm cũng không qua viếng được. Cách nhau mấy con phố, đành phải điện thoại chia buồn. Bạn gượng an ủi, thôi vậy cũng là hay, bởi cụ đi lặng lẽ vậy chắc là muốn con cháu bớt mang nợ ân tình với mọi người!
Bao giờ con tàu cuộc sống sẽ lại gượng dậy sau cú thắng gấp, lại vun vút trên lộ trình, để những hành khách trong toa trở về trật tự cũ, bình yên với nhịp đời ồn ào sôi động như vốn có? Ngắm những con phố vắng lặng dưới đèn đường, chợt đâu trong lòng cứ trỗi dậy giai điệu da diết buồn: “…thành phố mắt đêm đèn vàng, nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương”.
Thủy Ngân