Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Khánh Sơn: Lan tỏa phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới

Chủ nhật - 08/08/2021 12:34
Thực hiện chủ trương của Đảng
Khánh Sơn: Lan tỏa phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới

Thực hiện chủ trương của Đảng “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã có kế hoạch xây dựng, phát triển văn hóa, con người phát triển toàn diện trong thời kỳ mới, phù hợp đặc thù địa phương.


Quan tâm đời sống văn hóa cơ sở


Khánh Sơn ngày nay đã khoác lên mình diện mạo mới, với nhiều đổi thay tích cực. Từ đô thị đến nông thôn, những ngôi nhà xây kiên cố đã dần thay thế nhà tranh vách nứa. Ngày càng có nhiều trang trại trồng cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, thay thế cho những vườn tạp. Vùng đất có hơn 70% dân số là người Raglai đang dần hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, theo quy luật thị trường. Trong sự chuyển mình đó, điều đáng quý là những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào vẫn được bảo tồn; lối sống văn hóa, nghĩa tình được phát huy. “Trong thời gian qua, địa phương đã từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới ở mỗi gia đình, bản làng. Từ đó, hạn chế được những biểu hiện tiêu cực trong đời sống tinh thần của người dân”, ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn cho biết.

 

Đội nghệ thuật quần chúng huyện Khánh Sơn tham gia biểu diễn tại Liên hoan chiến sĩ hát và hát về chiến sĩ năm 2020.

Đội nghệ thuật quần chúng huyện Khánh Sơn tham gia biểu diễn tại Liên hoan chiến sĩ hát và hát về chiến sĩ năm 2020.


Để đời sống văn hóa mới bám rễ ở cơ sở, nhiều phong trào đã được huyện lồng ghép triển khai thực hiện như: Xây dựng người tốt việc tốt; gia đình văn hóa; thôn, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; học tập, lao động, sáng tạo... Từ đó, nổi lên nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong lao động và xây dựng nếp sống văn hóa mới. Đến nay, toàn huyện có 2.688 gia đình sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 26 hộ có quy mô sản xuất lớn, doanh thu hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương; hơn 60% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; 27/31 thôn, tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa; 75/80 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 93 cá nhân người tốt việc tốt và điển hình tiên tiến về xây dựng đời sống văn hóa được khen thưởng các cấp. Đặc biệt, có nhiều hộ vừa sản xuất kinh doanh giỏi, vừa đạt gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền. “Gia đình tôi luôn nỗ lực phát triển kinh tế và giữ gìn nếp sống hòa thuận, chuẩn mực. Đồng thời, quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình khác trong thôn, xóm để cùng phát triển”, ông Mai Văn Khang - nông dân sản xuất giỏi ở xã Sơn Lâm cho biết.


Xây dựng con người nhân ái, nghĩa tình


Theo kế hoạch, huyện phấn đấu đến năm 2025 có 85% gia đình văn hóa; 85% thôn, tổ dân phố văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 42,8% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu đó, huyện tập trung đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội nhằm xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trọng đạo lý, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc định hướng thị hiếu, thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, kỹ năng sống; lồng ghép chương trình giáo dục nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống vào trong trường học, góp phần giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…


Huyện cũng phấn đấu thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn huyện đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc; đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Địa phương sẽ quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn, nhất là văn hóa đồng bào dân tộc Raglai. Đồng thời, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng ở cơ sở, mô hình phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phục vụ người dân khai thác thông tin, tiếp cận tri thức để học tập suốt đời; xây dựng văn hóa công vụ và văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, nhân văn…


Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện, để thực hiện tốt các nội dung của kế hoạch xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện, huyện đã giao Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện nâng cao chất lượng nội dung và hiệu ứng nghệ thuật khi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần quảng bá hình ảnh con người, văn hóa truyền thống.


GIANG ĐÌNH

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp