Suốt 37 năm theo nghề, NSƯT Bích Thủy đã đóng đinh trong lòng khán giả với những vai diễn tính cách, thường được gọi là “đào lệch” hay “đào độc”. Dù không còn thường xuyên đứng trên sân khấu, nhưng anh em nghệ sĩ và khán giả vẫn nhớ về bà với những ký ức đẹp.
Thành danh với những vai tính cách
Mới đây, khi nghe tin NSƯT Bích Thủy không đủ điều kiện để xét danh hiệu NSND, nhiều người trong nghề cũng như khán giả một thời đã dành sự cảm thông với bà. Ai cũng hiểu những cống hiến, đóng góp của bà đối với sân khấu dân ca kịch bài chòi Khánh Hòa; khoảng trống bà để lại sau khi về nghỉ chế độ thật khó có thể tìm được người để khỏa lấp. Sự thiếu hụt tiêu chí huy chương như quy định đối với bà là bởi trong suốt nhiều năm liền, bà đã nhường vai để làm tròn vai trò của người nghệ sĩ lớp trước dìu dắt lớp sau.
NSƯT Bích Thủy tên thật Lại Thị Bích Thủy (sinh năm 1963), quê Cam Ranh, trong gia đình có cha ruột là một tài tử không chuyên. Từ nhỏ, bà đã sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ. Năm 1981, bà được tuyển vào làm diễn viên của Đoàn Ca kịch Trầm Hương (nay là Đoàn Dân ca kịch thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) và cống hiến hết mình cho sự phát triển của sân khấu kịch bài chòi cho đến ngày nghỉ hưu vào tháng 12-2018. Trong hành trình gần 4 thập niên theo nghề, NSƯT Bích Thủy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả và giới chuyên môn với những vai diễn của mình. Bà được xem là một diễn viên đa năng, có chất giọng kim sắc vang mà ấm. Bà thể hiện thành công ở nhiều dạng vai, từ đào thương, đào võ, đào mụ đến đào lẳng, đào lệch, nhưng thành công nhất vẫn là những vai diễn có tính cách phức tạp. Khi nhắc đến NSƯT Bích Thủy, nhiều người vẫn nhớ tới những nhân vật bà đã thủ vai như: Lệ Tuyết (Đôi dòng sữa mẹ), My Lan (Đồng tiền nhân cách), Hồng Loan (Một thời nghiệt ngã), Cô hàng rượu (Hòn vọng phu), Ánh Nguyệt (Bắc Bình Vương xử án), Cẩm Thúy (Đồng tiền và quỷ dữ), bà Dương (Nỗi đau tình mẹ)… Những vai diễn của bà đã đạt được huy chương vàng, huy chương bạc trong các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Chính những thành công này đã đưa tên tuổi của bà đến gần hơn với khán giả, tạo được ấn tượng mạnh với giới chuyên môn. Năm 2007, bà vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
Nhập vai có thần
Cố nghệ sĩ Nguyễn Đình Ảnh - nguyên Trưởng đoàn Dân ca kịch trong một bài viết cách đây 17 năm đã lý giải, cái duyên nghiệp của NSƯT Bích Thủy đến với những vai đào lẳng, đào lệch là nhờ công phát hiện của đạo diễn - NSƯT Đoàn Anh Thắng, khi ông dựng vở Đôi dòng sữa mẹ (kịch bản của Lưu Quang Vũ) cho Đoàn Dân ca kịch vào năm 1986. Sau 5 năm vào đoàn, bà đã được giao một vai diễn lớn. Bằng sự lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc, cùng sự chỉ đạo khai thác diễn xuất tài hoa của đạo diễn Đoàn Anh Thắng, NSƯT Bích Thủy đã hóa thân thành một Lệ Tuyết sống động. Cách diễn xuất tự nhiên, thoải mái không bị ràng buộc với những trình thức ca kịch đã giúp bà thăng hoa trong vai diễn. Có thể nói, đây là vai diễn lớn đầu đời và cũng là vai diễn để đời của NSƯT Bích Thủy.
Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, ông đã làm việc cùng NSƯT Bích Thủy từ gần 40 năm trước. Không quá khi nói rằng, ở khu vực Nam Trung Bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng, NSƯT Bích Thủy là người đóng vai “đào lệch” số 1 của sân khấu bài chòi. Từ năm 1981 cho đến bây giờ, sân khấu kịch bài chòi chưa tìm được người đóng vai “đào lệch” hay như NSƯT Bích Thủy.
Đối với sân khấu ca kịch truyền thống nói chung và bài chòi nói riêng, người nghệ sĩ để có thể thành danh đòi hỏi phải hội đủ: Thanh - sắc - tinh - thục - khí - thần. Trong đó, cái thần trong mỗi vai diễn chính là tài năng đích thực của người nghệ sĩ. NSƯT Bích Thủy là một trong số ít diễn viên đã toát lên được cái thần của mình trong các vai diễn.
Hiện nay, tuy không còn hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp nhưng NSƯT Bích Thủy vẫn tích cực tham gia các chương trình biểu diễn của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Nha Trang; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Đây là cách để bà vơi đi nỗi nhớ sân khấu và góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của sân khấu bài chòi.
Giang Đình