Sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 đã gợi cảm hứng để các văn nghệ sĩ sáng tác nên nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị; nổi bật là 2 ca khúc: Bà mẹ Gạc Ma, Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra.
Từ Bà mẹ Gạc Ma...
“Chiều nay, trời có mưa không, sao biển Trường Sa đong đầy nước mắt. Chiều nay, trời có dông không mà lòng người nổi bão”. Ca khúc Bà mẹ Gạc Ma của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (thơ Lê Tú Lệ) mở đầu bằng một câu hỏi xoáy sâu vào lòng người, gợi nhắc đến trang sử Gạc Ma bi tráng. Sau câu hỏi là từng ca từ nặng như “nhát búa” tạc vào không gian - thời gian về hình tượng người mẹ liệt sĩ Gạc Ma đêm đêm chong đèn đợi con: “Gạc Ma, Gạc Ma. Bà mẹ Gạc Ma. Lạy trời anh về. Bà mẹ Gạc Ma. Mấy mươi năm rồi vẫn chong đèn đợi cửa, gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi”.
Người con của mẹ đã hy sinh nhưng mẹ không lập mộ gió theo tín ngưỡng truyền thống vì không muốn tin đó là sự thật. Và đêm đêm, mẹ vẫn “gối đầu lên nỗi nhớ” chong đèn đợi cửa, với ước mong một ngày con của mẹ sẽ về. Đáp lại ước mong của mẹ chỉ có những cơn gió biển lạnh lùng thổi thốc vào nhà. Câu hát “Bà mẹ Gạc Ma không lập mộ gió…” với những nốt nhạc vút cao như mũi khoan xoáy sâu vào tâm thức của người nghe. Hai chữ Gạc Ma được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như muốn nhắc nhở người nghe nhớ về một trang sử bi tráng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, cuối năm 2012, nhà thơ Lê Tú Lệ tặng ông tập thơ, trong đó bài thơ “Những bà mẹ Gạc Ma” có những tứ, những câu rất lạ, rất hay. Câu thơ “gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi” cứ ám ảnh, quấn lấy tâm trí buộc ông phải ngồi vào bàn viết. Cuối năm 2013, ông viết những nốt nhạc đầu tiên; đến ngày 10-3-2014, ca khúc hoàn thành. Tại Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa năm 2015, NSƯT Thanh Thúy đã thể hiện thành công ca khúc Bà mẹ Gạc Ma. Giọng hát tình cảm, da diết của nghệ sĩ Thanh Thúy cùng hình ảnh bà mẹ đêm đêm chong đèn đợi con được dàn dựng rất đẹp trên sân khấu đã khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Ngay sau đó, Bà mẹ Gạc Ma đã có sức lan tỏa rất rộng, được sử dụng rất nhiều trong các chương trình ca múa nhạc về biển đảo.
... đến Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Cũng lấy cảm hứng từ sự kiện Gạc Ma, ca khúc Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra của nhạc sĩ Văn Phượng (phổ thơ Nguyễn Việt Chiến) lại đi thẳng vào việc dựng xây tượng đài người lính trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. “Ở Trường Sa, anh lấy ngực mình làm lá chắn. Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm. Để một lần Tổ quốc được sinh ra”.
Theo nhạc sĩ Văn Phượng, cuối tháng 5-2012, ông bắt gặp bài thơ Tổ quốc ở Trường Sa của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Bài thơ hào hùng nhưng cũng thật bi tráng ấy đã hút hồn người nhạc sĩ quê Quảng Ngãi. “Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn. Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương. Anh đã lấy thân mình làm cột mốc. Chặn quân thù trên biển đảo quê hương”. Từng lời thơ như thước phim quay chậm, tái hiện trận chiến bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm nào, đã thôi thúc ông phải cầm cây guitar cũ mèm lên để phổ nhạc. Đúng một tuần sau, bài hát hoàn thành. Văn Phượng lấy trọn lời thơ để làm ca từ, chỉ hoán chuyển vài đoạn thơ, thay đổi một số ít từ cho phù hợp. Tại Liên hoan âm nhạc các tỉnh phía nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tháng 3-2013, nhạc sĩ Văn Phượng đã được trao giải A với ca khúc Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra. Kể từ đó, ca khúc này đã phủ sóng ở nhiều hội thi ca múa nhạc từ địa phương đến Trung ương, nhất là chương trình ca nhạc về biển đảo.
Bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt đã chịu biết bao mất mát hy sinh nhưng không bao giờ lùi bước trước bất cứ một kẻ thù nào để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Và trang sử “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bi tráng ở Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao cách đây 35 năm là một trong số đó. “Có nơi nào như đất nước chúng ta/Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ/Khi giặc đến vạn người con quyết tử/Cho một lần Tổ quốc được sinh ra”. 4 câu thơ của Nguyễn Việt Chiến đã được nhạc sĩ Văn Phượng thổi hồn làm nên một khúc ca bi tráng, hào hùng khắc ghi vào tâm hồn bao người!
THÀNH NGUYỄN