Ngày 10-12 cách đây 73 năm (năm 1948), bà Eleanor Roosevelt (nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ) đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở Paris, Pháp. Đến phiên họp lần thứ 317 vào ngày 4-12-1950, Liên hiệp quốc ban hành Nghị quyết A/RES/423 (V) chính thức công nhận ngày 10-12 hằng năm là “Ngày Nhân quyền” (Human Rights Day) còn gọi là ngày Quốc tế Nhân quyền (International Human Rights Day). Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nêu rõ: “…niềm tin của mình vào những quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của mỗi con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, đã quyết định thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và xây dựng những điều kiện sống tốt hơn trong sự tự do rộng lớn hơn”.
Riêng ở nước ta, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ đã coi “quyền con người” là giá trị chung của quốc gia nên nhanh chóng tiến hành tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên và ban hành Hiến pháp bảo đảm thực hiện quyền tự do, dân chủ cho nhân dân sau gần 100 năm đất nước bị đô hộ. Tem bưu chính nước ta đã phát hành nhiều bộ tem về chủ đề trên. Cụ thể, bộ tem Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa II phát hành ngày 3-5-1960 có 1 tem, do họa sĩ Nguyễn Văn Khanh thiết kế. Bộ tem Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành ngày 7-7-1960 có 1 tem, do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế. Mẫu tem Công ước Quốc tế về quyền trẻ em phát hành ngày 1-6-1997 do họa sĩ Nguyễn Thị Sâm thiết kế… Tem bưu chính các nước khác cũng phát hành nhiều tem kỷ niệm nhân ngày Quốc tế Nhân quyền.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền hằng năm là hoạt động có ý nghĩa nhân văn toàn cầu, bảo đảm thực thi quyền con người tốt nhất. Tuy đã sang thế kỷ 21 nhưng vấn đề nhân quyền vẫn là sự đấu tranh lâu dài diễn ra ở một số nước trên thế giới.
Ngụy Như Ánh