Mãi tới năm 20 tuổi, tôi mới biết cái cảm giác phải làm người trễ đò lỡ chuyến sang sông và buộc cất tiếng gọi đò ơi ới đò nơi bến sông vắng lặng không một bóng người, buổi chiều tà chỉ có vài tiếng chim bắt cô trói cột rớt giữa thinh không.
Đứa con gái thành phố dù chẳng phải là tiểu thơ lên xe xuống ngựa nhưng cũng khó hình dung ra tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này trên đất lạ. Lòng sông tuy không quá rộng nhưng nước dập dềnh chảy xiết, dốc xuống bến chỉ bằng đất đào đắp tạm bợ bíu lấy vài vạt cỏ và mấy tảng đá, khách chờ đò sang sông quần xắn tới gối còn vác theo cái xe đạp lục cục. Đó là tôi, một cô giáo trẻ mới ra trường cầm quyết định, đạp xe gần hai chục cây số về nhận nhiệm sở ở Trường Phổ thông cơ sở Diên Lâm, Diên Khánh sát bến đò Phú Cốc thập niên 80. Bên kia sông chỉ thấy thành lũy tre xanh ken dày thấp thoáng vài mái nhà. Rồi bóng con đò cũng từ từ xuất hiện, người lái đò đứng tuổi chắc thâm niên nghe réo gọi dùng cây sào dài thong thả chống xuống đáy sông di chuyển con đò bằng gỗ nhẹ nhàng. Đò không cập sát bờ được vì dễ mắc cạn nên chỉ thả cho miếng ván cây, nước ngang bắp chân khách phải tự nâng chiếc xe đạp lên lụi hụi lội ra và leo lên. Đò nhỏ, chừng mươi người, thêm đôi ba cái xe đạp nữa là chòng chành ngay.
Những năm đó, Diên Lâm như một ốc đảo xanh được bao bọc bởi nhánh sông Cái gần thượng nguồn, lưng tựa núi và các căn cứ kháng chiến, hòa bình rồi mới có thêm khu kinh tế mới Đất Sét nằm kề, đò giang cách trở người từ thị trấn đi lên thường dừng lại bên này sông thuộc Diên Phước. Bệnh viện, chợ búa, trường học... cũng vậy, không tiện qua sông. Trước năm 1975, miệt vườn nổi tiếng về giống cam ngon ngọt này có rất nhiều gia đình là cơ sở cách mạng. Và đò ngang vẫn là phương tiện duy nhất để qua sông từ khai thiên lập địa cho đến thập niên 90. Mùa lũ nước cuộn như thác xoáy, đò thuyền gì cũng thúc thủ, người dân phải đi đường vòng gấp đôi gấp ba bọc lên Diên Sơn, Diên Điền… mới ra đường lộ được. Mùa nước cạn, có người cũng liều lĩnh lội qua lòng sông rộng gần trăm mét, không thiếu những câu chuyện hoang đường thêu dệt nên từ những sự cố đuối nước đủ làm người yếu bóng vía đêm xuống không dám ra sông.
Suốt thời gian dạy học ở đây tôi phải đi đò sang sông cùng chiếc xe đạp mỗi ngày, quen thuộc từng góc trượt chân xuống bến, thuộc lòng con nước chảy, nhớ cả hướng con đò bẻ lái tránh cồn cát giữa dòng, và cần nhớ nhất là giờ người lái đò không trực đò. Con đò duy nhất ở bến Phú Cốc này thuộc hợp tác xã, miễn phí cho học sinh và cán bộ đi công tác dù phí qua lại cũng rất rẻ. Mỗi lần ra bến, nhìn thấy con đò núp dưới lùm cây bên kia sông không một bóng người là ai nấy thở dài kiếm chỗ mát ngồi chờ sau khi réo gọi trong vô vọng, thường nghe nhất là “ông Tám đi nhậu rồi”, “ổng đi ngủ rồi”. Người có kinh nghiệm thường lên tiếng hú hét từ đầu dốc khi vẫn còn khuất mặt để báo động cho đò nếu có thì chờ cho vài mươi giây, nếu không thì lắm khi phải bẽ bàng nhìn con đò vừa chống ra giữa dòng. Tôi lần đầu gọi đò cũng ngần ngại, sau phải tăng âm tối đa tiếng gọi đò… ơi… Thường thì tiếng “đò” qua trước bên kia sông cũng phải mấy giây rồi tiếng “ơi” lanh lảnh mới đáp tới. Hồi đó, tôi hay thấm thía câu ca: Anh đến với hoa thì hoa đã nở/Anh đến với đò thì đò đã sang sông…, chứ ở nhà chỉ nhắc Ra đi mẹ có dặn dò/Sông sâu đừng lội đò đầy đừng qua…
Khúc sông Cái chảy ngang xã Diên Lâm. |
Sáng sáng, trước 7 giờ, cô giáo trẻ đứng bên này sông đợi đò, gặp bữa đò mắc kẹt chưa qua, nghe tiếng trống trường mà ruột gan như lửa đốt. Tới giờ vô lớp, học trò túa ra bến nhìn qua bên kia sông thấy bóng cô giáo bèn reo hò ầm ĩ cô ơi, cô ơi. Hôm nào lên bến xuống đò mà gặp anh trai mau mắn rinh dùm xe đạp còn đỡ, bằng không là ì ạch tới cổng trường quần còn chưa thả ống xuống kịp. Mùa mưa nước không quá lớn, đò vẫn qua nhưng không chống được mà xài máy nổ, loại máy khởi động bằng cách giật dây. Tôi không được trải qua cảnh lênh đênh trên con đò này khi có lần nó bị tắt máy nửa chừng, không chống không chèo gì được mà cứ phải phó thác cho dòng chảy. Đò từ Phú Cốc Diên Lâm trôi lênh đênh thẳng theo sông Cái ra cửa biển Cù Huân là chuyện có thể xảy ra nếu may mắn không bị chìm giữa dòng.
Khi cái cầu tràn đơn sơ được xây dựng cách vị trí bến đò cũ không xa thì mới không còn nghe tiếng gọi đò ơi ới đò vang vọng trên sông mỗi ngày nữa. Chiếc cầu tràn này tuy qua lại phải từ tốn khẽ khàng nhưng cũng đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của một miền quê, nhưng cũng chỉ gắng gượng đến năm 2009 thì bị bão lũ cuốn trôi sập luôn. Lại phải đi vòng, đi ghé, đi tạm, cho đến năm 2013 thì mới chính thức có được một cây cầu bê tông bề thế mang tên Phú Cốc dài gần 200m, rộng 10m như trong mơ. Nay thì đường thông thoáng kết nối tỉnh lộ, quốc lộ trơn tru chẳng còn gì ngăn trở đợi chờ. Ngày xưa, tôi đạp xe từ Nha Trang lên bến Phú Cốc là 18km mất khoảng 1 giờ 30 phút, rồi chờ đò qua sông có khi mất thêm gần 30 phút, nên 7 giờ lên lớp là 5 giờ sáng phải bắt đầu rời nhà.
Bạn rủ đi lên Diên Lâm chơi, vài lần về ngang trường cũ giờ đã chuyển sang cơ sở mới chỉ còn trơ thềm gạch vỡ, rồi đứng lại bên bến đò xưa nay thành ngõ cụt mà thấy cả một trời thương nhớ. Nhớ tiếng reo hò của học trò đón cô giáo qua sông, nhớ tiếng đò ơi mênh mang cuộn theo gió lan xa, nhớ tiếng chim bắt cô trói cột mà mình chưa một lần nhìn thấy bóng dáng nó…
ÁI DUY