Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh luôn được ngành Y tế chú trọng triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần giảm thiểu số ca mắc mới, cũng như hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ điều trị kịp thời.
Truyền thông phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn TP. Nha Trang. |
Đẩy mạnh điều trị dự phòng
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung bình mỗi ngày tiếp nhận vài trường hợp là người có nguy cơ cao nhiễm HIV đến để được tư vấn, hỗ trợ các biện pháp phòng tránh. Trong đó, chủ yếu là các trường hợp MSM (quan hệ tình dục đồng giới nam). Tới khám và tư vấn, anh N.T.P. (27 tuổi, TP. Nha Trang) chia sẻ, anh đang có mối quan hệ tình dục với bạn đồng giới. Khi còn làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, bản thân anh P. đã chủ động trong việc sử dụng các biện pháp để phòng tránh lây nhiễm HIV. Sau khi chuyển về làm tại TP. Nha Trang, anh P. đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng. Hiện nay, anh đang duy trì biện pháp PrEP, một phương pháp dự phòng trước phơi nhiễm bằng cách mỗi ngày uống 1 viên thuốc để phòng ngừa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Diệp Huệ Nhân - Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Khi có trường hợp đến trung tâm, bác sĩ của phòng khám sẽ tư vấn và cho họ làm xét nghiệm HIV. Sau khi có kết quả, nếu âm tính, bác sĩ sẽ hướng dẫn họ tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV dành cho đối tượng có nguy cơ cao bằng phương pháp PrEP. Chương trình này được hỗ trợ hoàn toàn chi phí xét ngiệm, thuốc uống và được bảo mật tuyệt đối thông tin”.
Những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi từ nhóm người hành nghề mại dâm, nghiện chích ma túy sang nhóm đối tượng MSM. Do đó, công tác truyền thông, triển khai các dịch vụ điều trị dự phòng HIV/AIDS có sự dịch chuyển sang nhóm đối tượng này cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Tại Khánh Hòa, gần 10 năm trở lại đây, số người MSM nhiễm mới HIV đang chiếm tỷ lệ cao nhất, từ 3% vào năm 2015 tăng lên gần 14% vào năm 2024.
Vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Với sự hỗ trợ của Dự án Quỹ Liên hợp quốc toàn cầu, chúng tôi có thành lập các nhóm cộng tác viên tại cộng đồng để hướng dẫn, phụ trách tại các địa phương, tiếp cận trực tiếp hoặc qua các kênh mạng xã hội khác nhau cho các nhóm người có nguy cơ cao nhiễm HIV. Ngoài ra, ngành Y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền kênh xét nghiệm HIV online của Bộ Y tế. Ở trang này, người nào có nguy cơ cao có thể vào đây tự khai báo sẽ nhận được một test xét nghiệm tại nhà miễn phí. Nếu test có phản ứng thì được hướng dẫn tới trung tâm y tế để được tư vấn, xét nghiệm khẳng định lại HIV. Đây là một nội dung mới trong việc hỗ trợ cho các đối tượng có nguy cơ cao”.
Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực đạt được những kết quả tích cực khi triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS như: Tăng tỷ lệ số người được tiếp cận chương trình bơm kim tiêm sạch; số người điều trị trước phơi nhiễm HIV; số người nhiễm HIV được tham gia điều trị bằng ARV (thuốc kháng HIV); đẩy mạnh các hoạt động, mô hình truyền thông tại cộng đồng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định, nhất là trong công tác chủ động phòng ngừa cho nhóm MSM. Bởi do sự kỳ thị của xã hội đối với người đồng giới nên việc tiếp cận để truyền thông, tư vấn các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV ở nhóm đối tượng này còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, Khánh Hòa chưa áp dụng được các mô hình, sáng kiến mới trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm như PrEP lưu động, hay còn gọi là phương pháp telePrEP. Vì thế, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Để công tác phòng, chống HIV/ AIDS đạt kết quả tốt hơn, hướng đến giảm số ca mắc mới xuống mức thấp nhất, hoàn thành mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục chú trọng hoàn thiện cơ chế cung cấp các dịch vụ cho nhóm người có nguy cơ cao; tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch...; đẩy mạnh các dịch vụ dự phòng, xóa bỏ rào cản kỳ thị đối với người nhiễm HIV nói chung, người có nguy cơ cao nói riêng; kết nối, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV mới để người nhiễm có cơ hội được tiếp cận lập tức và kịp thời các biện pháp điều trị; tránh trở thành nguồn lây trong cộng đồng.
C.ĐAN