Những năm qua, Trường Đại học Thông tin liên lạc luôn đi đầu với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Nhà trường đã nỗ lực xây dựng mô hình “Nhà trường thông minh” gắn với chuyển đổi số, mang lại hiệu quả tích cực.
Trường Đại học Thông tin liên lạc đã đưa vào sử dụng từ lâu hệ thống phần mềm thư viện số ứng dụng công nghệ thẻ (quản lý mã vạch, NFID, RFID). Trường đã số hóa tài liệu để xây dựng nguồn học liệu điện tử bảo đảm hoạt động của thư viện điện tử, phục vụ dạy học và nghiên cứu. Thư viện điện tử còn được kết nối với hệ thống thư viện số toàn quân, đáp ứng tốt nhu cầu tìm kiếm tài liệu của cán bộ, giảng viên, học viên. Trường cũng đã nghiên cứu, triển khai hệ thống phần mềm hỗ trợ đào tạo trực tuyến (E-learning), công nghệ nguồn mở, phục vụ khá hiệu quả hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, nhất là các môn khoa học cơ bản và khoa học xã hội nhân văn. Trường có 1 phòng học mô phỏng trường bắn (trường bắn ảo) và một số phần mềm mô phỏng trang thiết bị dạy học; kết hợp kiểm tra, đánh giá chất lượng đáp ứng yêu cầu khảo thí…
Theo lãnh đạo nhà trường, quán triệt quan điểm, chủ trương và kế hoạch hành động về chuyển đổi số trong Binh chủng Thông tin liên lạc, trường tiếp tục thực hiện mô hình “Nhà trường thông minh” triển khai từ năm 2019 gắn với công tác chuyển đổi số, trọng tâm là chuyển đổi số giáo dục đào tạo. Với sự hỗ trợ của binh chủng và phát huy nội lực, trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số như: Hoàn thành triển khai và lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ với Trung tâm dữ liệu máy chủ; lắp đặt hơn 60km tuyến cáp quang; thay mới thiết bị truy cập các lớp; đầu tư 750 máy tính phục vụ công tác chỉ huy, điều hành; phát triển 800 điểm truy cập mạng LAN, 480 điểm truy cập Internet, 80 điểm truy cập wifi; 1 phòng studio chuyên dùng phục vụ xây dựng hệ thống học liệu điện tử. Trường đã số hóa 3.080 tài liệu. Trong đó, có 1.480 tài liệu thường, 1.600 tài liệu mật, 980 bài giảng điện tử của 124 môn học…
Theo Thượng tá Đặng Tiến Dũng - Trưởng ban Kế hoạch, Phòng Đào tạo, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhờ hạ tầng đồng bộ và hệ thống bài giảng điện tử, công tác đào tạo đã triển khai tới tất cả các khu vực nên nhà trường vẫn tổ chức huấn luyện theo hình thức trực tuyến trên phần mềm do trường viết. Nhờ vậy, chất lượng huấn luyện vẫn được giữ vững và đảm bảo tiến độ của khung chương trình.
Đại tá, Tiến sĩ Lê Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thông tin liên lạc cho biết, trên cơ sở quán triệt sâu sắc chỉ thị, kế hoạch, quyết định của các cấp về tiếp cận công nghệ 4.0, trường triển khai xây dựng mô hình nhà trường thông minh bằng chính nội lực, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, có thể mở rộng quy mô phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Những năm qua, quá trình tổ chức giáo dục đào tạo của trường luôn gắn với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và hình thành một số thành phần cơ bản của mô hình nhà trường thông minh theo các tiêu chí được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt. Thời gian tới, trường tiếp tục bám sát định hướng của cấp trên về công tác chuyển đổi số; áp dụng chuyển đổi số ở tất cả các mặt, lĩnh vực công tác; cử cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng chuyên môn sâu về công nghệ thông tin; phối hợp với các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ thông tin xây dựng phần mềm, quản lý dữ liệu dùng chung...
Trường đã hoàn thành xây dựng mới 1.854 bài giảng điện tử của 35 bộ môn/9 khoa. Bên cạnh đó, trường xây dựng hệ thống phần mềm khai thác, sử dụng các khí tài thông tin phục vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cho các quân chủng, binh chủng; 5 phần mềm huấn luyện về tác chiến không gian mạng. Ngoài ra, trường còn xây dựng 12 phim huấn luyện về chuyên ngành thông tin; 16 video clip tiếng Anh phục vụ dạy và học tiếng Anh cơ bản và lắp đặt 120 camera giám sát. |
V.L