Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa đang phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ A.Yersin từng bước số hóa cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học (ĐDSH) rừng Khánh Hòa, góp phần bảo mật, bảo quản tư liệu, hình ảnh ĐDSH sinh vật trên địa bàn.
Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học
Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp chứng kiến việc ứng dụng mã QR trong việc bảo tồn cây di sản cây Tếch tại chùa Linh Sơn Pháp Ấn (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm). Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ A. Yersin đã hỗ trợ nhà chùa xây dựng QR Code cho cây Tếch. Chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét QR Code, màn hình sẽ hiển thị đầy đủ thông tin về cây di sản này.
Theo lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có ĐDSH phong phú, đến nay đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ĐDSH về tài nguyên rừng. Đây là nền tảng quan trọng để thực hiện chuyển đổi số cho tài nguyên rừng. Về thực vật, đã ghi nhận 2.367 loài, trong đó 91 loài nguy cấp, nhiều loài quý hiếm, hay có giá trị cao như: Dó bầu, cẩm lai, gõ đỏ… Chỉ riêng nguồn tài nguyên lan rừng rất phong phú, đã lập được danh lục 210 loài, nổi bật với những loài lan đặc hữu như: Hoàng thảo Khánh Hòa, bạch môi, đặc biệt là lan hài hồng nổi tiếng thế giới. Về động vật rừng, đã xác định 781 loài, trong đó 63 loài bị đe dọa, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN). Nhiều loài cần quan tâm bảo tồn như: Vượn đen má vàng, chà vá chân đen, sơn dương, rùa vàng…
Song, nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, một số loài có giá trị về mặt dược liệu đã bị khai thác tận diệt như: Kim tuyến, xáo tam phân… Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái ĐDSH tài nguyên rừng gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng môi trường sống, cản trở sự phát triển bền vững. Vì vậy, cần một công cụ hữu hiệu để quản lý số ĐDSH rừng, góp phần bảo tồn và nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH.
Từng bước số hóa
Đến nay, kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH gồm 653 loài thực vật và 524 loài động vật, đã chuyển giao thành 2 bộ: Bộ cơ sở dữ liệu gốc gồm đầy đủ thông tin thực hiện bằng phần mềm BRAHMS, được cơ quan có thẩm quyền quản lý; bộ cơ sở dữ liệu phổ biến, không có thông tin cần bảo mật, phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, giáo dục, truyền thông… Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa đang phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ A. Yersin từng bước số hóa cơ sở dữ liệu ĐDSH rừng Khánh Hòa.
Theo ông Lữ Thế Hùng - thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ A.Yersin, công nghệ ứng dụng chuyển đổi số tài nguyên ĐDSH rừng gồm 2 công cụ: Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) và NFT (tài sản không thể thay thế). Công nghệ Blockchain được ứng dụng như một cơ sở dữ liệu, các thông tin đăng nhập phải có chất lượng cao và chính xác. Đây là hệ thống bảo đảm sự minh bạch, an toàn cho các dữ liệu nhạy cảm có nguy cơ bị đánh cắp. Hiện nay, ứng dụng này phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc, theo dõi vòng đời từ xuất xứ cho đến sản phẩm đang triển khai đối với Chương trình Bảo tồn và thực nghiệm cấy trầm sinh học trên cây dó bầu tại Khánh Hòa. Việc cài đặt QR Code cho từng cây dó bầu sẽ giúp khách hàng an tâm. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa cũng đã gắn mã QR cho các cây di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường sự minh bạch cho các giá trị về ĐDSH, bảo vệ sở hữu trí tuệ. Mỗi nguồn gen quý hiếm được tích hợp dữ liệu phù hợp với chương trình bảo tồn và khai thác bền vững. Công nghệ NTF được lưu trữ trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain), có khả năng chứng thực quyền sở hữu đối với một sản phẩm cụ thể như tác phẩm nghệ thuật hay hình ảnh đặc trưng các loài động, thực vật, đặc biệt chú trọng các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm… Hiện nay, thông qua dữ liệu mã hóa làm “sống lại” những loài động, thực vật đã bị tuyệt chủng, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn những loài nguy cấp, quý hiếm của Khánh Hòa. Ví dụ, về động vật rừng, thu thập lại hình ảnh các loài quý hiếm như: Tê giác từng hiện diện ở Cam Lâm, cọp Phước Đồng, voi Ninh Hòa, gấu Đèo Cả… Về thực vật gồm các loài như: Bách xanh, thông 2 lá dẹp, mun, dó bầu, cà diên và một số loài lan hài hồng, hoàng thảo Khánh Hòa, bạch môi, Vani Yersin…
Tuy nhiên, mức độ chuyển đổi số vẫn có mặt hạn chế do thiếu thống nhất về quản lý, thiếu kinh phí và mức độ đầu tư công nghệ. Hội đề xuất tỉnh thời gian tới cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị có liên quan, ứng dụng công nghệ hiện đại cho số hóa tài nguyên rừng; thành lập Trung tâm triển lãm về thiên nhiên và ĐDSH của tỉnh.
V.L