Những ngày này, khắp các bản làng của người T’rin ở xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) bắt đầu bước vào mùa thu hoạch lúa rẫy. Năm nay, do mưa nhiều nên lúa rẫy được mùa.
Lên rẫy thu hoạch lúa
Từ 5 giờ, bà Cà Thêm (thôn Gia Rích) cùng 3 người trong gia đình đã chuẩn bị lên rẫy. Theo chân họ, chúng tôi băng qua con suối, đồi keo còn ướt đẫm sương mai. Đập vào mắt chúng tôi là rẫy lúa cao ngang vai người, nằm ở lưng chừng đồi, đã ngả màu vàng óng. Những bông lúa trĩu nặng đung đưa theo gió tạo nên nét đẹp rất lạ giữa vùng rừng núi.
Theo bà Thêm, vào khoảng tháng 5 đến tháng 6 âm lịch, chờ khi trời mưa thấm đất, bà cùng những người trong làng lên rẫy trỉa lúa. Những hạt lúa gieo xuống được nuôi dưỡng bởi mưa rừng và sương đêm. Trong khoảng 6 tháng từ khi trỉa hạt đến khi thu hoạch, để lúa sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, bà phải nhổ cỏ lúc lúa 1 tháng tuổi và khi lúa bắt đầu trổ bông.
Mùa thu hoạch, mỗi người mang theo gùi và bao để đựng lúa. Họ thường dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi, có người muốn mang rơm về cho gia súc nên cắt sát gốc, bó từng bó rồi đập lúa trên một bàn đập tự chế. Nhóm thu hoạch lúa thường là họ hàng với nhau và tính công theo kiểu đổi công. Do canh tác theo phương pháp truyền thống nên năng suất thấp hơn nhiều so với trồng lúa nước, nhưng đây là tập tục lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Năm nay, gia đình bà Thêm gieo hơn 3 giạ thóc (1 giạ khoảng 20-22kg) trên khoảng 1ha triền đồi, bà dự kiến vụ này sẽ thu hoạch gần 100 giạ lúa.
Từ sáng sớm, vợ chồng ông Hà Diệu cũng mang theo nhiều dụng cụ để lên rẫy thu hoạch lúa. Trên diện tích hơn 5.000m2, ông trỉa hơn 2 giạ lúa, dự kiến thu hoạch được hơn 50 giạ. Năm nay là năm đầu tiên vợ chồng ông trồng lúa. Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, ông Diệu tự chế bàn đập để thu hoạch nhằm lấy cả rơm mang về nuôi đàn gia súc.
Năm nay, lúa rẫy được mùa nên ai cũng vui mừng. Sau khi thu hoạch, gia đình bà Thêm và một số gia đình trong bản làng sẽ ăn mừng và tạ ơn đất trời đã cho một mùa lúa tốt tươi.
Khuyến khích gìn giữ nét đẹp truyền thống
Bà Cà Dy - người cao niên trong làng kể, bà biết trỉa và thu hoạch lúa từ khi còn nhỏ. Giống lúa không biết có từ khi nào, chỉ biết là khi thu hoạch, người dân chọn những hạt lúa to, tròn, nặng đều để làm giống cho mùa sau. Cứ thế từ mùa này qua mùa khác, đời này sang đời khác. Trồng lúa rẫy không chỉ cung cấp lương thực mà còn là nét đẹp truyền thống của người T’rin ở xã Giang Ly từ bao đời nay.
Ông Pi Năng Hà Duy - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ly cho biết: Toàn xã có 2 thôn Gia Lố và Gia Rích với hơn 350 hộ, 1.700 khẩu. Do địa hình là đồi núi nên người dân thường trồng lúa rẫy, dứa, keo, bưởi. Trong đó, gần 50% số hộ trồng lúa rẫy. Vụ lúa năm 2021, toàn xã trồng khoảng 32ha, cho sản lượng 78 tấn. Năm nay, người dân được mùa nên ai cũng vui mừng. Những năm qua, trồng lúa cho thu nhập thấp nên nhiều người dân đã chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như: bưởi, keo… Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến khích người dân giữ lại diện tích trồng lúa như một nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Mã Phương