Sau 15 năm thành lập, mảnh đất Câm Lâm đang chuyển mình mạnh mẽ bởi lợi thế “lưng tựa núi, mặt hướng biển”. Cam Lâm đang mạnh mẽ vươn tầm để trở thành đô thị sân bay, sinh thái, mang đẳng cấp quốc tế trong tương lai…
Chuyển mình mạnh mẽ
Cách đây 15 năm, trong ký ức của nhiều người, Cam Lâm chỉ bạt ngàn màu xanh của những vườn xoài và những đồi cát trắng dài miên man. Thời điểm ấy, ngoài Khu Công nghiệp (KCN) Suối Dầu với tỷ lệ lấp đầy chưa tới 70%, kinh tế địa phương chủ yếu là nông nghiệp. Giờ đây, vùng đất này đang thay đổi mạnh mẽ. Những con đường nhựa thẳng tắp; các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều. Phía Bãi Dài, các khu du lịch đẳng cấp quốc tế gần như phủ kín cả Bắc bán đảo Cam Ranh. Xa hơn về phía bắc, đô thị Suối Tân cũng dần hình thành; những khu vực xung quanh KCN Suối Dầu đã bắt đầu mang một sức sống mới. Ông Trần Ngọc Phước (thị trấn Cam Đức) cho biết: “Trước đây, ở Cam Lâm chủ yếu là những vườn xoài. Vậy mà chỉ sau 15 năm thành lập huyện, diện mạo thị tứ đã đổi thay hoàn toàn, hàng loạt tuyến đường mới mở, trụ sở cơ quan, trường học được xây dựng, các dịch vụ phát triển... Cam Lâm đang phát triển và thay đổi từng ngày, bắt đầu mang hình hài của đô thị thực sự”.
Với những nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân toàn huyện, từ một vùng nông, ngư nghiệp thuần túy, đô thị Cam Lâm đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã từng bước triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả chương trình phát triển đô thị và đạt được kết quả tích cực. Kinh phí đầu tư cho chương trình phát triển đô thị giai đoạn này là gần 26 ngàn tỷ đồng. Huyện xây dựng mới các khu dân cư và mở rộng không gian khu vực nội thị, xây dựng các công trình công cộng, cây xanh công viên, cải tạo chỉnh trang đô thị. Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp và cơ bản hoàn thiện mục tiêu đạt tiêu chuẩn đô thị loại V đối với thị trấn Cam Đức và xã Suối Tân. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, ngành dịch vụ được mở rộng, phát triển, bộ mặt đô thị của huyện có nhiều đổi mới, trong đó tỷ lệ đô thị hóa thị trấn Cam Đức đạt trên 50%, xã Suối Tân đạt trên 45% .
Công nghiệp, du lịch trở thành thế mạnh
Vị trí địa lý thuận lợi, gần cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt và có khu Bãi Dài với tiềm năng du lịch vô cùng lớn, Cam Lâm được dự báo sẽ sớm vươn mình trở thành trung tâm du lịch, công nghiệp quan trọng của tỉnh. Đến nay, KCN Suối Dầu với diện tích 136,7ha đã được lấp đầy và đang có nhu cầu mở rộng. KCN có 52 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp đạt 189 triệu USD, tổng vốn thực hiện đạt 98 triệu USD; giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động. Phía nam của huyện, Cụm Công nghiệp (CCN) Tân Lập (xã Cam Thành Bắc) với diện tích 40ha đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000; phía bắc của huyện, các CCN Trảng É 1, Trảng É 2, Trảng É 3 với diện tích 152ha đã triển khai xây dựng hạ tầng. Trong đó, CCN Trảng É 1 đã hoàn thiện hạ tầng, các nhà đầu tư thứ cấp đang tiến hành xây dựng nhà máy để đi vào hoạt động. Khi các CCN này hoàn tất thu hút đầu tư sẽ góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm rất lớn cho lao động địa phương. Đặc biệt, sự hiện diện của các nhà máy sản xuất thuốc lá của Tổng Công ty Khánh Việt, các CCN ở đây sẽ là điểm nhấn trong “bức tranh” kinh tế của huyện Cam Lâm.
Sau Nha Trang, du lịch Cam Lâm đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Những năm gần đây, Khu du lịch (KDL) Bắc bán đảo Cam Ranh đã mọc lên hàng loạt khách sạn, resort đẳng cấp 5 sao. Khu vực này đã có 40 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 29.341 tỷ đồng. Trong đó, 11 dự án chính thức đi vào hoạt động; 21 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng; 6 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và 2 dự án đang thực hiện các thủ tục. Các điểm tham quan du lịch đang từng bước hình thành và phát triển, hàng năm thu hút hơn 155.000 lượt khách du lịch đến lưu trú, trong đó khách quốc tế hơn 126.000 lượt người. Những thế mạnh này đã và đang là tiền đề cho sự phát triển lâu dài của Cam Lâm.
Đô thị mang đẳng cấp quốc tế
Hơn một thập kỷ đi qua, Cam Lâm giờ đã đổi khác trong tư thế vươn lên mạnh mẽ. Nhưng với vùng đất đầy tiềm năng như Cam Lâm, có lẽ sự phát triển như vậy vẫn chưa thực sự xứng tầm. Đặc biệt, theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Điều này càng chắp cánh thêm cho ước mơ phát triển vượt bậc của cả hệ thống chính trị và người dân trong huyện.
Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã báo cáo ý tưởng đầu tư với Thủ tướng Chính phủ, đề xuất 3 dự án có tổng diện tích hơn 16.800ha tại huyện Cam Lâm, gồm: dự án khu đô thị sân bay cao cấp; dự án đô thị sinh thái và dự án tổ hợp dịch vụ, thương mại, vui chơi - giải trí. Theo đó, khi dự án được triển khai sẽ biến vùng đất nông thôn, miền núi trở thành đô thị cao cấp mang đẳng cấp quốc tế. Nổi bật là trung tâm trí tuệ toàn cầu, trung tâm y tế, giáo dục, cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp thuộc hàng đầu thế giới. Nếu được phê duyệt, đến tháng 6-2023 dự án khởi công và sau 2 năm hình hài của khu đô thị phức hợp sẽ thành hình.
Ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết: Được Bộ Chính trị định hướng xây dựng Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế chính là cơ hội, vận hội để huyện cố gắng hiện thực hóa khát vọng vươn tầm, đưa Cam Lâm trở thành một đô thị hiện đại, là điểm đến của hàng triệu du khách quốc tế. Huyện sẽ huy động mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng và thế mạnh, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, du lịch, thương mại và phát triển công nghiệp, nông nghiệp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống đô thị và xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội từng bước đồng bộ; chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, môi trường sinh thái đảm bảo, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Để thực hiện định hướng “đưa huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế” cần có các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trình cấp có thẩm quyền theo thủ tục rút gọn về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng và một số cơ chế, chính sách tương đồng với cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu Kinh tế Vân Phong để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, công ty công nghệ tới làm việc, nghiên cứu, đầu tư và quy hoạch theo hướng hình thành Trung tâm khoa học công nghệ đẳng cấp quốc tế tại huyện Cam Lâm nhằm thu hút nguồn lực chất lượng cao. Cần phải tạo nên một đô thị xanh, thông minh, trở thành một trung tâm trí tuệ toàn cầu; tạo việc làm cho người dân địa phương. Đặc biệt, đô thị Cam Lâm cần bảo tồn được không gian văn hóa trước đây.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: 15 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cam Lâm đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn để xây dựng Cam Lâm trở thành huyện chuẩn về phát triển đô thị; tạo ra nhiều việc làm, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Trong thời gian sắp tới, triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, huyện Cam Lâm được định hướng trở thành một đô thị mới, đô thị sân bay. Đây là mô hình đô thị hiện đại kiểu mẫu, người dân được sống và làm việc trong một môi trường tiên tiến, văn minh. |
Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025:
|
Đình Lâm