Trước tình trạng người dân thả bè, phao nhử vẹm dày đặc trên sông Tắc, sông Quán Trường gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn khẩn trương lập phương án tháo dỡ bè, phao, trả lại sự thông thoáng, trong lành cho dòng sông.
Lấn chiếm lòng sông, mất mỹ quan đô thị
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, dọc sông Tắc và sông Quán Trường đoạn chảy qua các xã, phường: Vĩnh Thái, Phước Hải, Phước Long và Phước Đồng có hàng loạt phao nổi, bè nổi trên sông để nhử vẹm. Các phao nổi làm bằng nhiều vật liệu như: xốp, can nhựa, thùng nhựa được thả dày đặc; bè nổi được kết cấu bằng khung tre, mỗi khu vực có vài chục ô bè dọc, ngang với diện tích mặt nước bị bao chiếm lên đến hàng trăm m2 để thả, nhử vẹm. Việc thả nhử vẹm được người dân thực hiện bằng cách dùng một đầu dây gắn phao nổi, đầu còn lại gắn bao tải chứa cát, gạch và đá, sau đó thả xuống sông. Khi vẹm bám đầy các sợi dây thì người dân sẽ chèo thuyền ra để thu hoạch, sau đó đóng bao bán cho những người nuôi tôm hùm.
Ông Nguyễn Vinh Quang (Khu đô thị Thái Hưng, xã Vĩnh Thái) cho biết, công việc này dễ làm, có thu nhập tốt nên không chỉ người dân địa phương mà nhiều người từ nơi khác đến khu vực sông Quán Trường để nhử vẹm. Người dân còn lắp, dựng nhà bè trên sông để trông coi các bè nhử vẹm. Số lượng phao, bè dày đặc, cùng với các vật liệu bằng ni lông, nhựa, gạch, đá thả nhử vẹm đã gây ô nhiễm lòng sông, mất mỹ quan đô thị và cản trở dòng chảy thoát lũ cho khu vực phía tây TP. Nha Trang.
Được biết, để giải quyết vấn đề trên, từ tháng 4-2022, UBND TP. Nha Trang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, thực hiện cưỡng chế các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép khu vực sông Tắc, sông Quán Trường, hoàn thành trước ngày 20-11-2022. Cụ thể, giao UBND các xã, phường: Vĩnh Thái, Phước Hải, Phước Long, Phước Đồng kiểm tra, xử lý tình trạng người dân tự đặt các phao nổi, bè nổi trái phép lấn chiếm lòng sông để nhử vẹm trên sông Tắc và sông Quán Trường, báo cáo kết quả về UBND TP. Nha Trang trước ngày 20-11-2022. Tuy nhiên đến nay, các địa phương vẫn chưa xử lý xong, các khu vực thả bè phao nhử vẹm tự phát vẫn còn tồn tại. Ông Nguyễn Thanh Hy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, thời gian qua, địa phương đã kiểm tra, rà soát trên địa bàn xã. Qua đó, xã mời 18 người dân địa phương đang nuôi vẹm trên sông Quán Trường lên làm việc, ký cam kết tự tháo dỡ bè, phao nhưng đến nay các hộ chưa thực hiện.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch cưỡng chế
Để thực hiện việc tháo dỡ bè, phao một cách đồng bộ, cùng một thời điểm; tránh tình trạng xử lý riêng lẻ từng địa phương; các hộ nuôi vẹm di chuyển lồng bè từ địa phương này qua địa phương khác, UBND TP. Nha Trang đã giao UBND phường Phước Hải chủ trì, phối hợp với các địa phương khác cùng thực hiện. Ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, phường: Vĩnh Thái, Phước Hải, Phước Long và Phước Đồng thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của thành phố có liên quan; khẩn trương xây dựng kế hoạch cưỡng chế và tổ chức xử lý nuôi nhử vẹm không đúng quy định trên sông Tắc, sông Quán Trường trước ngày 17-2; nếu quá thời hạn nêu trên, Chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP. Nha Trang. Riêng UBND xã Phước Đồng cần khẩn trương thực hiện cưỡng chế và tổ chức xử lý các lồng bè nuôi thủy sản trái phép tại khu vực vùng nước cảng cá Hòn Rớ.
Hiện nay, dọc sông Quán Trường từ cầu Võ Nguyên Giáp đến cầu Bình Tân trải dài qua địa bàn các xã, phường: Vĩnh Thái, Phước Hải, Phước Đồng, Phước Long là khu vực thuộc Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Quán Trường do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án vẫn chưa nghiệm thu bàn giao cho UBND TP. Nha Trang. Do đó, thành phố yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tháo dỡ phao nổi, bè nổi lấn chiếm lòng sông để nhử vẹm. Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý vịnh Nha Trang, Công an thành phố cử lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp, hỗ trợ UBND các xã, phường trong việc tổ chức xử lý.
THÁI THỊNH