Từ khoảng một tháng trước, chị Nguyễn Thu Phương, Giám đốc công ty du lịch Indochina Pride Travel, bắt đầu có khách đặt tour du lịch trong 2 đợt nghỉ lễ sắp tới.
Đến nay, số lượng book trước tương đối nhiều. Thậm chí, một số địa điểm hot đã kín chỗ, từ chối nhận thêm khách.
“Các khu hết sớm thường ở quanh Hà Nội và có không gian cho trẻ em vui chơi. Khách đặt trước nhiều nhất là gia đình hoặc nhóm bạn. Đoàn cũng có nhưng booking lẻ vẫn nhiều hơn. Công ty tôi phải ôm sẵn phòng ở một số khu để phục vụ khách quen chưa kịp đặt”, chị nói với Zing.
Theo chị Phương, các dịch vụ cung cấp cho du khách dịp lễ thường tăng trung bình 10-25% so với giá cuối tuần. Riêng vé máy bay tăng mạnh hơn do hãng khóa lại các hạng thấp hoặc không có khuyến mại trong dịp lễ. Tuy vậy, nhu cầu vẫn rất cao.
Bãi biển ở Vũng Tàu chật kín người dịp đầu năm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đặt tour sớm hơn
So với năm ngoái, chị Phương nhận thấy khách hàng có kế hoạch đặt tour du lịch sớm hơn trong dịp nghỉ lễ năm nay.
“Năm 2021, mọi người book sát ngày hơn vì sợ bùng dịch. Giờ số ca F0 vẫn nhiều nhưng mức độ nguy hiểm giảm xuống nên khách đặt sớm hơn. Quy định test nhanh Covid-19 hầu như đã được bỏ nhưng khu nghỉ vẫn yêu cầu tuân thủ 5K. Các điểm du lịch quen thuộc luôn kín chỗ vì cơ sở hạ tầng tốt, số lượng phòng nghỉ kèm dịch vụ bổ trợ nhiều”, chị cho hay.
Khi ngành du lịch dần phục hồi, chị Phương cảm thấy vui mừng nhưng cũng gặp một số khó khăn. Trong 2 năm dịch bệnh, nhân sự hao hụt nhiều do chuyển nghề sang bảo hiểm hoặc bất động sản. Hiện công ty chị có nhu cầu tuyển thêm người.
Bên cạnh đó, trong dịp lễ, cung không đủ cầu dẫn đến khách hàng phải chuyển sang những lựa chọn thấp hơn. Theo chị Phương, để có kỳ nghỉ đỡ tốn kém, mọi người nên nghiên cứu book tour sớm để tránh giá càng sát ngày càng tăng cao.
“Du khách nên tùy tình hình kinh tế của mình để book bởi du lịch là sự kết hợp nhiều tiêu chí. Ngoài dịch vụ lưu trú, còn có nhiều yếu tố như ẩm thực, cảnh quan, trải nghiệm đều có thể mang đến sự hài lòng cho chuyến đi”, chị nói.
Sau dịch, công ty chị Phương có nhu cầu tuyển thêm nhân sự. Ảnh: NVCC. |
Anh Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc công ty AHA Travel_Event, cho Zing hay do dịp lễ năm nay kéo dài, mọi người thường đặt những chuyến du lịch dài ngày và xa hơn. Hiện tại, số lượng book tour của công ty anh đạt khoảng 400-500 khách và đoàn lớn là 100-120 người.
“Trở lại hậu Covid-19, khách hàng có xu hướng đi xa hơn như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng. Những đoàn có ít thời gian hơn thì lựa chọn các điểm gần như Hạ Long, Hải Tiến, Cát Bà. Lượng khách năm nay tăng cao so với 2021 dù tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp. Hiện tại, các điểm du lịch không yêu cầu test nhanh hay PCR nên khách hàng cũng dễ dàng di chuyển hơn trong hành trình”, anh nói.
Với anh Quyết, 2022 là năm vui mừng với nhân sự ngành du lịch và tổ chức sự kiện khi các chương trình được quay trở lại, công việc trở nên bận rộn hơn sau thời gian dài đóng băng. Tuy nhiên, không ít người từng cộng tác với công ty anh đã chuyển việc nên phải tìm kiếm để bổ sung và đào tạo mới.
Hiện tại, các bên đối tác của công ty anh Quyết giữ giá dịch vụ bình ổn để hỗ trợ khách hàng hậu Covid-19. Về các chương trình, giá thành tùy thuộc vào lựa chọn dịch vụ của khách hàng và sự thống nhất giữa đôi bên. Đối với các chặng bay, tùy từng thời điểm, giá vé có lúc tăng cao nhưng cũng có khi dễ chịu hơn.
Lượng khách đặt trước tour dịp lễ của công ty anh Quyết tăng cao so với 2021 dù tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp. Ảnh: NVCC. |
Không dám nhận nhiều khách
Gần đây, công ty của anh Nguyễn Đắc Hưng, làm việc tại TravelUp - đơn vị chuyên tổ chức tour trekking, hiking, camping ở Tây Bắc, cũng bắt đầu có khách book tour cho 2 đợt nghỉ lễ sắp tới nhưng còn rải rác.
“Khách lẻ còn xem lịch cá nhân và rủ thêm bạn bè. Trong khi đó, khách đoàn có kế hoạch trước nhưng cũng chỉ đặt trước khoảng 2 tuần. Dịch bệnh nên cũng rủi ro, có người đăng ký xong lại phải hủy”, anh lý giải.
Hiện tại, khách của công ty anh Hưng có xu hướng chọn tour chinh phục các đỉnh núi như Tả Liên Sơn, Putaleng (Lai Châu) và Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San (Lào Cai).
Theo anh, nhìn chung, trekking sẽ bớt đông đúc hơn so với các loại hình du lịch truyền thống. Tuy nhiên, điều kiện trên núi thiếu thốn hơn đi nghỉ dưỡng và khách hàng hiểu điều đó.
“Năm nay, các địa phương hầu như không yêu cầu test nhưng sẽ phải khai báo y tế và đăng ký tạm trú. Khách vào dịp lễ năm nào cũng đông nhưng sức chứa của các núi có hạn nên chúng tôi cũng không dám nhận quá nhiều. Ví như mỗi đoàn chỉ nhận 10-12 khách, mỗi cung đường không quá 2 đoàn và chốt khách sớm để đảm bảo hậu cần cũng như phân chia nhân sự”, anh nói.
Công ty anh Hưng không nhận quá nhiều khách mỗi tour để đảm bảo hậu cần và nhân sự. Ảnh: NVCC. |
Về giá cả, theo anh Hưng, dịp lễ sẽ tăng nhẹ khoảng 10%, chủ yếu do vấn đề di chuyển và thực phẩm leo thang. Giá trung bình là 3-5 triệu đồng/tour tùy điểm đến.
Với anh Hưng, du lịch phục hồi là tín hiệu đáng mừng. Kinh tế hồi phục trước mắt tạo ra thu nhập cho nhân sự ngành du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên và người dân vùng cao.
Bên cạnh đó, trekking là hình thức du lịch kết hợp rèn luyện sức khỏe nên ngày càng thu hút nhiều người quan tâm và trải nghiệm.
Khó khăn công ty anh Hưng gặp phải chủ yếu vẫn là rủi ro khi khách đặt tour nhưng phải hủy vì dịch bệnh, đảm bảo phòng chống dịch cho đội ngũ nhân sự, thiếu nhân sự do nhiều người đã chuyển sang làm công việc khác.
“Để thu hút khách trở lại, công ty tôi giảm giá cho nhóm đông, khách quen hoặc đăng ký sớm. Mong rằng mọi người đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình trong dịp nghỉ lễ dài ngày sắp tới. Tôi luôn khuyến khích khách test nhanh trước giờ lên đường để tránh rủi ro cho cộng đồng”, anh cho hay.
Du lịch liên tục để 'trả thù' đại dịchSau Tết Nguyên đán, nhiều người trẻ liên tục du lịch để "bù đắp" cho năm 2021 phải ở nhà quá lâu vì dịch. Một số chấp nhận vừa đi vừa làm việc. |