Nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 24-2 tại Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi. Ông ra đi, để lại cho công chúng yêu văn chương cả một trời thơ ca và trang văn đẹp rực rỡ như trời xuân.
Dương Tường được các thế hệ bạn bè văn nghệ, độc giả yêu mến không chỉ bởi tài năng thơ văn, niềm đam mê với văn chương nghệ thuật, mà còn ở sự tận tụy với chữ nghĩa. Dù sinh ra ở Nam Định, nhưng mỗi trang văn của ông rất đậm chất Hà Nội về sự hào hoa, thuần khiết, quý phái, sang trọng. Ông là một nhà dịch thuật văn học hàng đầu. Trong cuộc đời làm việc của mình, ông dịch thuật tới 50 tác phẩm lớn của Nga, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Na Uy, Brazil... Có thể nhắc đến những tác phẩm nổi tiếng với bạn đọc như: Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Anna Karenina, Kafka bên bờ biển, Lolita, Cái trống thiếc, Bên phía nhà Swan, Dưới bóng những cô gái đương hoa... cùng rất nhiều tác phẩm kinh điển khác. Ông còn là nhà thơ nổi tiếng với những câu thơ giàu nhạc tính đầy ám ảnh. Giới nghệ thuật đánh giá ông là nhà mỹ học văn chương và nhà phê bình đặc sắc. Chỉ cần một lời ca trong bản nhạc nổi tiếng “Tình khúc 24” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc gần 40 năm đã cho thấy điều đó.
Bài thơ Tình khúc 24 được Dương Tường sáng tác đầu thập niên 80, viết tặng người bạn gái. Bài thơ có con số 24 là vì Dương Tường tặng cô gái 24 tuổi. Bài thơ có những câu thơ rất lạ: “Gửi lại em/24 phố dài thơm/24 serenat/24 vibrato/24 khung trời tím/ 24 lối công viên/ 24 vầng trăng góa…”. Đọc những câu thơ này, có lẽ không nhiều người hiểu được ý nghĩa ngôn từ rất trừu tượng của Dương Tường. Ấy vậy mà Phú Quang cầm bài thơ này đã phổ ngay thành bài hát “Tình khúc 24” vào năm 1986. Theo sự bày tỏ của Phú Quang, cũng như Dương Tường, chàng nhạc sĩ người Hà Nội ở Sài Gòn đã cùng đồng cảm với một tình yêu qua bài thơ này. Phú Quang nhớ người yêu đã xa, Hà Nội đã xa bằng việc dạo phím đàn réo rắc để thành nhạc phẩm “Tình khúc 24”. Về phần Dương Tường, khi nghe nói Phú Quang phổ thơ mình thành bản nhạc, ông đã vào Sài Gòn và gặp nhạc sĩ với sự ngỡ ngàng vì biết bài thơ rất khó thành nhạc. Nhưng khi Phú Quang đệm hát thì Dương Tường gật gù thấy được. Bản nhạc có đôi người hát nhưng hình như cần phải có một cô gái người Hà Nội thứ thiệt hát mới thể hiện hết chất lãng mạn, tinh khôi, phóng khoáng của “Tình khúc 24”.
Năm 1992, cô ca sĩ dễ thương của Hà Nội - Hồng Nhung vào phương nam lập nghiệp. Người đón Hồng Nhung đầu tiên chính là Phú Quang. Theo lời kể của Hồng Nhung, khi đó chị mới 18 tuổi, được nhạc sĩ Phú Quang đón chở đến Studio Kim Lợi để thu âm bài hát “Tình khúc 24”. Hồng Nhung hát mà nước mắt ứa trào xúc động như có cảm giác cơn mưa mùa hạ Hà Nội vương vào mắt mình. Phú Quang cũng xúc động, vì hiểu “Tình khúc 24” của Dương Tường đã thành nét nhạc tinh khôi thời trai trẻ đã qua: Hai tư phím cầm chiều/Hai tư nhành sương mím/Hai tư tiếng ve sầu/Đại lộ tháng tư... Gửi lại em tờ thư hai tư gác mưa/Mùi hoa sữa hai tư miền hoài niệm/Cơn mơ chợt hiện, chợt tan... Gửi lại em hai tư lối công viên/Hai tư vầng trăng góa/Anh gửi lại em tất cả/Riêng đêm em xóa/Hai tư quầng bóng xuống đời/Anh giữ lại cho em...
Từ đó, mối nhân duyên với con số 24 của Dương Tường đến với Phú Quang và Hồng Nhung. Ban đầu, Hồng Nhung hát cao vút như nắng phương nam trên cành cao, càng về sau chị hát mềm mại, tự sự hơn như nỗi buồn thoang thoảng của hoa sữa làm cho bản nhạc càng đằm thắm hơn.
Không phải ngẫu nhiên khi nhạc sĩ Phú Quang qua đời, từ phương trời xa không dự lễ tiễn, Hồng Nhung đã hát bản nhạc “Tình khúc 24” với tràn đầy kỷ niệm xúc động thuở đầu lưu luyến của nàng ca sĩ trẻ với nhạc sĩ tài hoa... Để rồi giờ đây, giữa mùa xuân hanh hao đầy khắc khoải này, nhà thơ Dương Tường đã ra đi, để“gửi lại em tờ thư hai tư gác mưa/Mùi hoa sữa hai tư miền hoài niệm/Cơn mơ chợt hiện, chợt tan...”.
Dương Trang Hương