Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Trở về

Thứ ba - 26/04/2022 13:10
Khi nhận lời làm vợ của Thông, tôi chỉ nghĩ đến phần sính lễ là tấm hộ chiếu của anh. Tôi không quan tâm đến khoảng cách của tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, bởi hồi môn của tôi cũng không có gì ngoài hai bàn tay trắng và tấm nhan sắc bình thường. Thật lòng tôi cũng mong ước có được một chỗ để nương tựa, để yêu thương và được yêu thương. Nhưng khi ra đến xứ người, sống giữa những đứa con chồng xấp xỉ tuổi mình, tôi mới biết mình đã sai lầm. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Trở về

Khi nhận lời làm vợ của Thông, tôi chỉ nghĩ đến phần sính lễ là tấm hộ chiếu của anh. Tôi không quan tâm đến khoảng cách của tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, bởi hồi môn của tôi cũng không có gì ngoài hai bàn tay trắng và tấm nhan sắc bình thường. Thật lòng tôi cũng mong ước có được một chỗ để nương tựa, để yêu thương và được yêu thương. Nhưng khi ra đến xứ người, sống giữa những đứa con chồng xấp xỉ tuổi mình, tôi mới biết mình đã sai lầm. Trong con mắt người đời, bà dì ghẻ nào cũng giống dì ghẻ của cô Tấm dù cho họ có trẻ đẹp hơn, hiện đại hơn. Thông không hề biết điều đó hoặc là anh đã ở vào giai đoạn không quan tâm gì khác, cuộc sống cứ dễ chịu, không đói nghèo là anh đã cảm thấy hài lòng.

 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.


Nhưng tôi thì không chịu được một cuộc sống giống như cái nồi áp suất sắp nổ tung vì quá tải. Tôi chủ động xin ly hôn, Thông có hiểu hay không cũng không sao, tôi không giải thích cũng không biện minh khi anh nói tôi là kẻ cơ hội, bạc ác không có tình người. Tôi bỏ gia đình của mình, từ chối gia đình của chồng và trở thành kẻ vô gia cư. Tôi trôi nổi từ bang này đến bang khác, làm đủ thứ công việc, sống cùng nhiều người đủ mọi màu da, cuối cùng tôi may mắn gặp một người tốt và một công việc tương đối. Ở cùng phòng với tôi là một cô gái Hàn Quốc, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng Anh mà hai đứa học được hồi còn học ở trung học. Cô Lee trẻ tuổi hơn tôi nhiều, cô đẹp hơn và cũng được học hành tới nơi tới chốn. Cô ra nước ngoài đi làm để tiếp tục học cao hơn chứ không chỉ để kiếm sống như tôi. Lee xem tôi như một người chị và giúp đỡ tôi nhiều thứ. Nhờ vậy, tôi cũng ấm lòng khi nghĩ rằng cuộc sống của mình đã dễ chịu hơn nhiều.


Em trai tôi báo tin nó đã xây lại được ngôi nhà, không phải bằng tất cả công sức của tôi gởi về mà phần lớn nhờ tiền bồi thường giải tỏa đất. Ở quê tôi, người ta đang quy hoạch lại đất đai, đô thị hóa những vùng quê thành phố. Một con đường mới đi qua khu vườn cũ, một phần lớn vườn dừa đã phải đốn bỏ, con đường mới đi ngang trước mặt nhà tôi. Em tôi viết trong thư là nó không cần tiền dành dụm của tôi nữa, thay vì gởi về cho nó, tôi hãy để dành để về thăm nhà một chuyến.


Khi tôi nói với Lee là tôi phải về thăm quê, cô không ngạc nhiên, chỉ nhắc tôi là kiếm thêm ít tiền để mua quà về cho cháu. Rồi tôi cũng chuẩn bị được tươm tất cho chuyến trở về sau nhiều năm tháng đi xa. Đêm cuối cùng ở lại với Lee thật cảm động, hai chị em ngồi trên sân nhà được trải chiếc thảm đỏ đã sờn vì lâu lắm chưa được thay. Lee giúp tôi đóng gói những món quà mang về, tôi không biết ai sẽ thích món gì nên mua đủ thứ. Tôi ngồi xếp quần áo vào valy, tự nhiên tôi muốn nói với Lee nhiều chuyện. Tôi nhớ lại lời hứa với những người bạn thân khi chia tay năm nào. Tôi ít có bạn bè thân, chỉ dăm ba người, không biết bây giờ họ ra sao. Tôi kể cho Lee nghe hồi xưa tôi rất chăm học. Nhà tôi nghèo, tôi muốn làm được nhiều tiền để giúp mẹ nuôi em, nhưng mẹ tôi muốn tôi đi học, phải đi học thành tài rồi mới nghĩ đến chuyện đi làm giúp mẹ. Tôi nghe lời mẹ nhưng số tôi lận đận, lỡ thầy, lỡ thợ, bây giờ quá nửa đời người cũng chẳng ra làm sao, mẹ tôi nếu còn sống chắc bà buồn lắm.


Tôi đặt bước chân đầu tiên lên quê hương với tâm trạng bồi hồi khó tả. Chung quanh tôi biết bao người đang tay trong tay mừng mừng tủi tủi gặp nhau. Những người trở về, chắc cũng như tôi, lâu lắm mới được về thăm quê. Không có ai đón vì tôi không báo tin cho ai, tôi sợ phải khóc trước mặt người khác vì tôi là người dễ chảy nước mắt.


Vào một buổi tối, tôi hẹn gặp bạn bè. Lần này đứa em đưa chúng tôi ra ngoài thành phố, cái quán ăn nhỏ nằm trên biển như nhà thủy tạ trở nên quá nhỏ so với mặt biển cuồn cuộn bên dưới. Ngồi ở đó tôi thấy được hết tất cả thành phố nằm gọn trong vòng ôm của biển, những ngôi nhà cao tầng, những hàng đèn đỏ xanh chấp chới trông ra ngoài khơi xa nơi có vài con tàu cũng rực rỡ ánh đèn đang bỏ neo để chờ vào cảng. Quê của tôi cũng xinh đẹp và giàu có như thế sao lại có lúc tôi đã phải từ bỏ để mà đi?


Ngay lúc ấy tôi hiểu ra rằng, cuộc đời chẳng cho ai không điều gì. Bạn tôi cũng phải trải qua những năm tháng khó khăn mới được những ngày như hôm nay, có điều họ khác tôi là họ biết chấp nhận khó khăn ngay ở nơi quê nhà của mình. Và thật công bằng khi bây giờ họ không phải sống khổ tâm như tôi.


Đêm đó tôi thức rất khuya, nằm lắng nghe dòng sông trở mình, lắng nghe tiếng con cá nhảy và tiếng gió làm xao động mấy ngọn lá dừa ở trong vườn. Tôi hiểu ra vì sao những năm tháng qua tôi lại sống nặng nề như thế. Tôi nhớ có ai đã nói rằng: “Quê hương không phải là nơi để nhớ đến mà chính là nơi chốn để quay về”, hơn lúc nào khác tôi mới thấm hiểu được ý nghĩa này.


Tôi lại chia tay bạn bè, đứa em và bầy cháu nhỏ để trở lại nơi mình đã chọn, lần này tôi không hứa hẹn với ai, chỉ thầm bảo với chính mình rằng tôi sẽ quay về, không phải chỉ để có một gia đình, mà hơn thế nữa còn vì dòng sông có con cá nhảy, còn cả một góc vườn dừa mà mẹ tôi để lại.


. Truyện ngắn của Lưu Cẩm Vân



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp