Bác sĩ A.Yersin (1863 - 1943) không sinh ra ở Nha Trang - Khánh Hòa, nhưng tâm hồn và thân thể của ông đã mãi ở lại với vùng đất này và trong tâm tưởng của người dân nơi đây. Hẳn trên thế giới không có nhiều điều đặc biệt như câu chuyện về ông Năm Yersin - một người quan Pháp được nhân dân Việt Nam tôn thờ, được Nhà nước Việt Nam tặng danh hiệu Công dân danh dự vào năm 2013.
Chọn Nha Trang làm quê hương
Khi tìm hiểu về bác sĩ A.Yersin, điều ấn tượng chính là tâm hồn lãng mạn, yêu thích phiêu du của ông. A.Yersin từng nói: “Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống”. Quan điểm đó theo bước chân ông từ thời trai trẻ. Vậy nên, năm 26 tuổi, bác sĩ A.Yersin đã quyết định từ bỏ tương lai xán lạn trong nghiên cứu khoa học ở Paris để bắt đầu hành trình đầy lãng mạn, sôi nổi ở vùng đất mới, một trong số đó là xứ Đông Dương. Và bước chân phiêu du đã dẫn ông đến với vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa. Đó là năm 1891, bác sĩ A.Yersin lúc bấy giờ làm việc trên con tàu chạy tuyến hàng hải mới mở Sài Gòn - Hải Phòng. Trong những lượt ra bắc vào nam, tàu đều dừng lại ở Nha Trang. Lần nào đến Nha Trang, bác sĩ A.Yersin cũng bị mê hoặc bởi phong cảnh thiên nhiên, khí hậu của vùng đất còn hoang sơ này. Từ đó, ông quyết định đến sinh sống tại Nha Trang trong một ngôi nhà gỗ ở Xóm Cồn và mở phòng khám chữa bệnh cho mọi người…
Trong câu chuyện của những người đã từng được gặp bác sĩ A.Yersin kể lại, chúng ta thấy rõ những hành động, việc làm thể hiện tình cảm, tình yêu của ông đối với người dân và vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa. Trong những ngày sống ở Xóm Cồn, phòng khám của ông là nơi khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo. Trước mỗi chuyến đi ra khơi đánh bắt hải sản, ngư dân Xóm Cồn đều đến hỏi ông về tình hình thời tiết để đảm bảo an toàn. Trong ngôi nhà của ông luôn có tiếng nói cười của trẻ nhỏ đến đây để được xem phim và ăn bánh kẹo… Người dân Xóm Cồn quý mến gọi ông bằng cái tên bình dị, thân thương là ông Năm Yersin. Khi ông mất (ngày 1-3-1943), trong di chúc ông để lại có đoạn: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Hãy chôn tôi nằm úp xuống. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác…”. Đám tang ông, rất đông người đến để đưa tiễn, than khóc và để tang cho ông…
Sống mãi trong lòng dân
Trong những lần trò chuyện với cố nhà thơ Giang Nam về bác sĩ A.Yersin, chúng tôi càng thấy nể trọng và trân quý những hành động, tình cảm của ông Năm Yersin đã dành cho người dân, vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa. Ông từng chia sẻ: “Bác sĩ A.Yersin là người nước ngoài đầu tiên chọn Xóm Cồn nghèo của ngư dân Nha Trang để ở. Ông cũng là người nước ngoài đầu tiên, duy nhất được nhân dân Khánh Hòa tôn thờ trong chùa sau khi mất và được công nhận là danh nhân lịch sử của Việt Nam, công dân danh dự Việt Nam. Tất cả đến từ tình yêu vô điều kiện của bác sĩ A.Yersin đối với đất và người Nha Trang - Khánh Hòa”.
Tình yêu thương vô bờ bến của ông, tấm lòng nhân ái cao cả của ông, những cống hiến cả đời cho y khoa ông đã trao đi và rồi nhận lại cũng bằng tình yêu vô bờ bến của người dân nơi đây, không chỉ hôm xưa, hôm nay mà có lẽ cả muôn đời sau. Ông sống mãi trong lòng người dân vùng đất này. Để hôm nay vẫn hiện hữu những công viên, bảo tàng, bệnh viện, phòng khám, trường học, đường phố… mang tên ông; vẫn có một Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tuyên truyền sự nghiệp của ông, tổ chức các hoạt động từ thiện giúp người nghèo… Các hoạt động của hội đã và đang tiếp bước con đường nhân văn cao cả và lan tỏa tinh thần A.Yersin. Hàng năm, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đều tổ chức các hoạt động tưởng nhớ A.Yersin vào dịp ngày sinh và ngày mất, các hoạt động văn hóa… “Trong nhiều năm qua, xác định việc truyền bá, lan tỏa tinh thần bác sĩ A.Yersin là một sứ mệnh, các thành viên trong Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin đã không ngừng nỗ lực làm tốt công tác đối ngoại, kết nối nhiều tổ chức, cá nhân quốc tế; góp phần bảo tồn, phát huy sự nghiệp, những thành tựu của nhà bác học. Qua đó, lan tỏa những cống hiến, đóng góp của bác sĩ A.Yersin cho nhân loại, đặc biệt là tấm lòng cao cả của ông đối với người dân Nha Trang - Khánh Hòa”, ông Đống Lương Sơn - Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin chia sẻ.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn từng viết những câu thơ xúc động trong bài Nhớ ông Yersin: “Ông đến từ châu Âu/Mang đến lòng nhân ái/Ông nghỉ ở Suối Dầu/Còn tiếng thơm mãi mãi”. Năm nay, những người yêu mến ông Năm Yersin lại hướng về kỷ niệm 160 năm ngày sinh và 80 năm ngày bác sĩ A.Yersin mãi ở lại với Nha Trang - Khánh Hòa.
Cách đây hơn 5 năm, trong lần đến TP. Nha Trang, ông Claude Blanche Maison - Đại sứ Pháp tại Việt Nam lúc bấy giờ đã xúc động bày tỏ: “Tôi đến đây để tưởng nhớ một người thầy thuốc, một nhà bác học, một nhà khoa học, nhưng trước hết tôi muốn chào người thầy thuốc luôn gần gũi với nhân dân Nha Trang - Việt Nam. Đó là một nhà nhân văn chân chính”. |
Giang Đình