10 ngày bị quản thúc tại khách sạn, qua 2 lần điều trần tại tòa, cuối cùng tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic bị thu hồi visa, trục xuất khỏi Úc và không thể bảo vệ chức vô địch tại Australia Open. Một cái kết không thể đắng hơn cho tay vợt số 1 thế giới.
Cả thế giới chống Covid-19, nhưng Djokovic thì không
Thế giới hơn 2 năm qua đã phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Đến nay đã có hơn 300 triệu người nhiễm và hơn 5 triệu người tử vong. Để đối phó với đại dịch này, vắc xin là giải pháp khả thi nhất. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã tiêm mũi 2, mũi 3 cho người dân, thậm chí có nước đã triển khai mũi thứ 4.
Trong các hoạt động đông người, nhất là lĩnh vực thể thao thì biện pháp phòng, chống Covid-19 luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Chẳng hạn đội tuyển bóng đá Việt Nam dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cũng phải thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài việc phải tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin các cầu thủ còn phải thực hiện nguyên tắc “bong bóng khép kín”.
Giải Tennis Australia Open 2022 - giải Grand Slam đầu tiên diễn ra trong năm đã khởi tranh từ ngày 17-1. Cũng như các nước khác trên thế giới, Australia đặt ra các điều kiện hết sức nghiêm ngặt khi nhập cảnh vào Úc. Trước khi giải khởi tranh mấy tháng, Bộ trưởng Bộ di trú Úc, ông Alex Hawke đã tuyên bố: “Tất cả các tay vợt muốn tham dự Úc mở rộng đều phải tiêm đủ vắc xin, không có ngoại lệ”.
Biết rõ quy định như vậy, nhưng có thể Djokovic cho rằng mình là tay vợt số 1 thế giới, lại là đương kim vô địch Úc mở rộng nên sẽ có ngoại lệ. Chính vì vậy, anh và đội ngũ luật sư của mình đã chuẩn bị cho một kịch bản để anh được hưởng quyền miễn trừ y tế. Thế nhưng, một kịch bản tồi đã đưa đến một cái kết đắng ngắt: Djokovic bị trục xuất khỏi Australia chỉ trước 12 giờ khi giải Úc mở rộng khởi tranh.
Thế nhưng, hành trình Djokovic đến Australia như một bộ phim hành động đầy kịch tính: Ngày 4-1, hồ sơ xin miễn trừ y tế của anh được Tennis Australia và bang Victoria phê duyệt. Djokovic hý hửng lên máy bay đến Australia, nhưng đêm 5-1, Djokovic bị lực lượng biên phòng Úc hủy visa tại sân bay do hồ sơ miễn trừ y tế không đầy đủ. Đến ngày 10-1, kết quả phiên điều trần lần 1 xác nhận quyết định ấy “không hợp lý”. Thế là tay vợt số 1 thế giới lại hăm hở ra sân tập luyện và đăng tải những trạng thái hết sức phấn khích cho chiến dịch lần thứ 10 vô địch Úc mở rộng. Nhưng tại phiên điều trần trước 12 giờ khi trái banh nỉ lăn, kết quả Djokovic đã phải lầm lũi ra sân bay để rời nước Úc trong sự giám sát của cảnh sát.
Cái kết cay đắng và những hệ lụy tiếp theo
Trong nhóm “Big Three” - 3 tay vợt huyền thoại gồm Federer, Nadal và Djokovic thì Djokovic là tay vợt giành nhiều danh hiệu nhất. Nhưng anh lại là tay vợt bị “ghét” nhất trong nhóm “Big Three”. Nếu Djokovic thi đấu với Federer hoặc Nadal trên sân, tiếng cổ vũ cho anh thì ít mà tiếng la ó thì nhiều. Chính anh đã nhiều lần lên tiếng đòi sự công bằng, nhưng việc bị trục xuất khỏi Australia càng đào sâu thêm hố ngăn cách giữa anh và khán giả. Theo thăm dò dư luận, có tới 83% người dân Úc không muốn Djokovic tham dự giải Úc mở rộng mà lại không tiêm vắc xin.
Cái kết cay đắng đầu tiên Djokovic phải đối mặt đó là khả năng mất vị trí số 1 thế giới. Vì là đương kim vô địch giải Úc mở rộng nên Djokovic phải thi đấu để bảo vệ danh hiệu vô địch. Hiện Djokovic xếp hạng 1 thế giới với 11015 điểm; tay vợt người Nga Medvedev xếp thứ 2 với 8935 điểm; tay vợt người Đức Zverev xếp thứ 3 với 7970 điểm. Việc không thi đấu bảo vệ chức vô địch, Djokovic bị trừ 2000 điểm nên trong trường hợp Medvedev hoặc Zverev đoạt chức vô địch thì Djokovic chính thức mất ngôi vị số 1 thế giới. Nhưng, hệ lụy còn lớn hơn khi mới đây, tờ tin tức Australia cho biết việc hủy visa với lý do “đe dọa trật tự công cộng” khiến Djokovic bị cấm nhập cảnh 3 năm vào Úc. Bản án này chỉ thay đổi trừ khi Djokovic chịu tiêm vắc xin.
Sau khi Djokovic bị trục xuất khỏi Australia, Bộ trưởng thể thao Pháp Roxana Maracineanu dội cho anh thêm một gáo nước lạnh. Bà tuyên bố mọi vận động viên đều phải tiêm vắc xin nếu muốn đến Pháp, trừ tình hình “thay đổi đáng kể”.
Pháp là quốc gia đăng cai giải tennis lớn thứ 2 trong năm: Roland Garros (hay còn gọi giải Pháp mở rộng). Đây cũng là giải đấu mà Djokovic đang là nhà đương kim vô địch.
Quy định về vắc xin của nước Anh, nơi tổ chức Wimbledon, không chặt chẽ như Pháp. Tuy nhiên, những quy định nhập cảnh của Mỹ, nước đăng cai giải Grand Slam cuối cùng trong năm cũng yêu cầu người nhập cảnh phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Quyền tự do cá nhân luôn được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Nhưng khi cái “tôi” quá lớn trong lúc cả thế giới phải gồng mình chống lại đại dịch thì lợi ích của cộng đồng phải đặt lên hàng đầu. Tiếc rằng chính cái “tôi” của Djokovic đã phải nhận cái kết cay đắng. Phải chăng đây là dấu hiệu của sự hủy hoại sự nghiệp của mình cho một lối sống ích kỷ.
Nam Định