Mục tiêu dài hạn trước những thách thức của Liên minh châu Âu

Chủ nhật - 18/09/2022 02:19
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đưa ra 3 đề xuất quan trọng để hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với nền kinh tế và đời sống người dân châu Âu trong thời gian tới.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Mục tiêu dài hạn trước những thách thức của Liên minh châu Âu
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đưa ra 3 đề xuất quan trọng để hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với nền kinh tế và đời sống người dân châu Âu trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên họp Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền Đông nước Pháp, ngày 14/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền Đông nước Pháp, ngày 14/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, trong thông điệp liên minh trình bày tại phiên họp toàn thể Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) tuần này đã đưa ra những đề xuất quan trọng không chỉ để đối phó với các cuộc khủng hoảng trước mắt, mà còn vạch ra lộ trình tương lai cho sự phát triển của Liên minh châu Âu (EU).
 
Cuộc xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc và khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng là những vấn đề chiếm phần lớn nội dung bài diễn văn hơn 5.000 từ của người đứng đầu cơ quan hành pháp châu Âu.
 
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đưa ra 3 đề xuất quan trọng để hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với nền kinh tế và đời sống người dân châu Âu trong thời gian tới.
 
Cụ thể, xây dựng một chương trình tiết kiệm điện chung cho toàn khối, áp đặt trần giá điện đối với các nhà cung cấp không sử dụng khí đốt, chẳng hạn như thủy điện, điện hạt nhân, điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, áp thuế đối với các doanh nghiệp thu lợi nhuận lớn từ việc giá năng lượng tăng đột biến.
 
Bà Ursulan von der Leyen nhấn mạnh: “Trong thời điểm hiện nay, thật là không đúng đắn khi thu về lợi nhuận và doanh thu cao kỷ lục nhờ vào xung đột, trên lưng người tiêu dùng. Lợi nhuận cần phải được chia sẻ và chuyển tới những người đang cần nhất.”
 
Các biện pháp trên được cho là sẽ làm giảm mạnh giá điện và giúp chính phủ các nước thành viên thu về thêm 140 tỷ euro, hỗ trợ người dân đối phó với sức ép chi tiêu cho năng lượng.
 
Thực tế, đây mới là các giải pháp mà EC đưa ra, việc chúng có thực hiện được không còn phụ thuộc vào quyết tâm của các nước thành viên.
 
Gần đây, nhiều nước đã yêu cầu áp đặt một mức giá trần đối với toàn bộ khí đốt nhập khẩu.
 
EC cảnh báo điều này sẽ thúc đẩy các nhà cung cấp chuyển hướng sang các nơi khác có mức giá hấp dẫn hơn, ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung cấp năng lượng cho EU trong những tháng mùa Đông tới.
 
Đề xuất của bà Ursula von der Leyen được cho là giải pháp trung dung, đỡ rủi ro hơn.
 
Song song với việc đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng sắp tới, người đứng đầu EC cũng hướng đến mục tiêu xa hơn, tấn công vào một nguyên nhân quan trọng gây ra khủng hoảng, đó là sự phụ thuộc quá mức vào năng lượng hóa thạch.
 
Theo bà, EU phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng, từng bước giảm dần sử dụng các loại nhiên liệu nhập khẩu và phát triển các công nghệ thân thiện với môi trường mà các nước thành viên có thể tự sản xuất.
 
Trong số các nguồn năng lượng xanh, hydrogen được xem là yếu tố có thể làm “thay đổi cuộc chơi.”
 
Nhà lãnh đạo EC thông báo sẽ đề xuất thành lập một ngân hàng hydrogen châu Âu, tài trợ khoảng 3 tỷ euro đầu tư vào lĩnh vực này.
 
Tháng Bảy vừa qua, EC đã phê chuẩn một dự án nghiên cứu và phát triển hydrogen, lĩnh vực được cho là chiến lược để đẩy nhanh việc phi carbon hóa nền kinh tế.
 
Dự án tập hợp 41 sáng kiến của 35 doanh nghiệp tại 15 nước, trong đó có Pháp, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Italy.
 
Nếu thành công, hydrogen sẽ đóng vai trò trung tâm, cho phép các ngành công nghiệp thép, ximăng, hóa chất hay dược phẩm hoạt động mà không phát thải khí CO2.
 
Liên quan tới Ukraine, Chủ tịch EC cũng đã đưa ra một số đề xuất nhằm tạo điều kiện để Ukraine tiếp xúc thị trường chung châu Âu, bao gồm mở rộng các lĩnh vực miễn thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, hỗ trợ quá trình tái thiết, cung cấp ít nhất 100 triệu euro để xây dựng lại các trường học bị tàn phá trong xung đột.
 
Bà Ursula von der Leyen cho rằng “hiện nay là lúc giải quyết” cuộc xung đột, đồng thời khẳng định các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ vẫn được duy trì. Tuy nhiên, bài phát biểu không đề cập các cam kết cung cấp thêm vũ khí, điều mà Kiev vẫn tiếp tục kêu gọi.
 
Việc EU phải loay hoay mất nhiều thời gian và công sức để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm bật lên một vấn đề lớn: EU không chủ động được chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa thiết yếu. Trong thông điệp liên minh, Chủ tịch EC đã xác định một ưu tiên cần phải thực hiện trong thời gian tới.
 
“Chúng ta phải xác định những dự án chiến lược liên quan đến chuỗi cung ứng, từ việc khai thác đến tinh chế, từ chế tạo cho đến tái chế. Chúng ta phải xây dựng các kho dự trữ chiến lược nếu như nguồn cung gặp rủi ro.”

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg, Pháp ngày 14/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg, Pháp ngày 14/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bà Ursula von der Leyen đề cập đến một số loại nguyên liệu cần thiết cho ngành công nghiệp của châu Âu đang bị nước ngoài chi phối, như đất hiếm, lithium.
 
Nhân dịp này, EC đã công bố dự luật về các loại nguyên liệu thô thiết yếu. Từ vài năm trở lại đây, EU đã rất nỗ lực để kéo một phần các ngành sản xuất chiến lược về "lục địa già" nhờ vào các chương trình và bộ luật tham vọng, như Liên minh pin điện hay Luật chip bán dẫn châu Âu.
 
Các biện pháp này đã được xúc tiến rất nhanh, với dự kiến 70% nhu cầu pin xe điện của EU sẽ được sản xuất ngay tại châu Âu và một nhà máy sản xuất chip khổng lồ sắp được động thổ xây dựng.
 
Trong tương lai, EC sẽ thúc đẩy thành lập một quỹ tự chủ chiến lược của riêng EU. Các chương trình, kế hoạch này nhằm bảo đảm cho mục tiêu “tương lai công nghiệp sẽ được tạo ra tại châu Âu."
 
Theo thông lệ, thông điệp liên minh thường trình bày những ưu tiên của EC cho năm kế tiếp. Lần này, các vấn đề mà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đưa ra dường như vượt ra ngoài ranh giới thời gian đó.
 
Từ việc tự chủ năng lượng, bảo đảm an ninh nguồn cung cho các hàng hóa thiết yếu cho đến tăng cường các giá trị của châu Âu..., hầu hết những nội dung được đưa ra cần khá nhiều thời gian để thực hiện. Hơn nữa, đó mới chỉ là những đề xuất của EC.
 
Chặng đường còn khá dài để chúng trở thành hiện thực dù hiện nay, EU đang thể hiện tương đối kiên quyết trong việc giải quyết những thách thức mà sự phân cực sâu sắc của thế giới đang đặt ra.
 
Theo TTXVN
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp