“Con mèo dạy hải âu bay” là tựa đề cuốn sách của Luis Sepúlveda, một trong những nhà văn nổi tiếng của Chile. Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần trong nước. Có thể tóm tắt câu chuyện như sau: Zorba, một chú mèo mập ú, tốt bụng, có tấm lòng cao thượng đã nhận lời của cô hải âu Kengah khi cô bị nhấn chìm trong vết dầu loang trên biển. Trong phút cuối của cuộc đời, cô đã sinh ra một quả trứng và Zorba đã hứa với cô 3 việc: Không ăn quả trứng; chăm sóc cho tới khi trứng nở và dạy cho hải âu con bay.
3 chuyện đó đối với một chú mèo quả thật không dễ chút nào, nhất là khi Zorba đang rất đói. Rồi, làm sao Zorba có thể làm được công việc ấp trứng? Và khó hơn hết là chuyện một con mèo có thể dạy cho hải âu bay?
“Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay”.
Đó là lời Zorba nói với con hải âu bé nhỏ được cả cộng đồng mèo trên bến cảng chăm sóc từ khi còn trong trứng nước và chung sức bảo vệ nó để đến được mục đích cuối cùng là con hải âu đã biết bay.
“Con đang bay! Má Zorba! Con biết bay rồi!”. Con hải âu la lên từ bầu trời xám xịt bao la.
Zorba ngồi đó, dõi theo con hải âu cho tới lúc nó không biết những giọt mưa hay nước mắt đã ủ mờ đôi mắt màu vàng của nó…
Có thể thấy, cuốn sách dành riêng cho thiếu nhi nhưng chuyển tải nhiều thông điệp đến cho người lớn: Cách thể hiện lòng yêu thương, giữ lời hứa, trái tim nhân ái và cả vấn đề về môi trường nữa.
Trong bối cảnh gia đình, thử xét xem một điều kỳ diệu khác mà các ông bố, bà mẹ đã làm được công việc dạy hải âu bay. Một ông bố có con vừa bảo vệ thành công thạc sĩ toán học tâm sự rằng, ông nhớ như in ngày con trai ông bước vào cấp hai với hành trang của môn toán là điểm số chỉ trên trung bình chút xíu; và chính bản thân ông cũng không học giỏi toán thời nhỏ. Làm thế nào để ông dạy được hải âu bay khi ở năm học lớp 7 của con, lúc giảng toán cho con, ông cứ khăng khăng rằng ba lũy thừa ba bằng… chín! Cậu con trai đã cười, chế giễu trình độ toán của bố. Khi biết mình sai, ông quyết tâm… học toán. Ông tìm mua rất nhiều sách từ giải toán cơ bản cho đến nâng cao, sách dành cho giáo viên… và ngồi giải toán cùng con. Những gì không hiểu ông hỏi đồng nghiệp ở cơ quan hay tìm thầy cô giáo nào quen nhờ giảng giúp. Bên cạnh đó, ông tranh thủ tất cả thời gian để đưa con học thêm đến 2 lớp toán. Trời đã không phụ lòng người bố cần mẫn, thương con. Từ một học sinh không giỏi toán năm lớp 7, đến năm lớp 9, cậu đã có mặt trong đội tuyển toán của trường và năm lớp 12 cậu đạt giải nhất trong kỳ thi toán của tỉnh. Kết quả này đã giúp cho cậu thi đậu vào ngành toán Đại học Sư phạm. Và giờ đây, mục tiêu tấm bằng tiến sĩ là lẽ đương nhiên khi anh chỉ mới 27 tuổi.
Đó là chuyện ông bố ít ra cũng còn có điều kiện để dạy cho hải âu bay. Trong cuộc sống, có rất nhiều ông bố bà mẹ không được học hành đến nơi, đến chốn nhưng họ đã biết chắp cánh cho con bay vào vùng trời mơ ước mà cả đời họ, những điều đó chỉ là chuyện viển vông!
Nhà triết học Pháp Decartes có câu: “Không có phương pháp đúng thì người tài cũng mắc lỗi. Có phương pháp đúng thì người tầm thường cũng làm được việc phi thường”. Để làm được việc dạy hải âu bay là một quá trình không đơn giản. Nhưng phải chăng, chính bởi sự hy sinh vô bờ bến cùng phương pháp đúng, cha mẹ sẽ làm được điều kỳ diệu đó?
Đào Thị Thanh Tuyền