Phụ nữ hẳn ai cũng muốn mình xinh đẹp, nhất là làn da trắng trẻo. Thế nhưng, những cô gái vàng của bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa, như: Thanh Trâm, Tuyết Ngân… hàng ngày phải phơi mình trong nắng và gió đến cháy da, tập luyện khắc nghiệt, nỗ lực vượt khó để mang về những tấm huy chương.
Môi trường tập luyện khắc nghiệt
Tiết trời Nha Trang tháng 3 ẩm ương, sáng mưa phùn nhẹ xen lẫn không khí lạnh, giữa trưa trời nắng gắt, đến chiều gió mạnh giật từng cơn. Cho dù thời tiết có như thế nào, hàng ngày, những cô gái vàng môn bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa vẫn miệt mài tập luyện để rèn kỹ thuật, giữ phong độ chuẩn bị cho mùa giải mới. Việc tập luyện của vận động viên (VĐV) nữ bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa hàng ngày vào 2 khung giờ, sáng 8-10 giờ, chiều 14-16 giờ, trên sân tập của câu lạc bộ (phía nam cầu Trần Phú). Đây là sân tập ngoài trời, với bộ dụng cụ tập luyện rất đơn giản, gồm một trụ lưới và sàn tập là cát biển, đặc thù giành cho môn bóng chuyền bãi biển.
Các nữ VĐV mỗi ngày đi tập chẳng mang theo thứ gì. Họ đi chân trần, khoác trên mình bộ đồng phục dài, đội trên đầu chiếc mũ lưỡi trai để che bớt nắng, đeo kính râm để bảo vệ đôi mắt nhằm tránh cát biển văng vào. Trên sân tập, trước khi bước vào các bài tập theo giáo án của huấn luyện viên trưởng, các nữ VĐV thường có 1 giờ làm nóng người bằng cách chia nhau lu cát hoặc chạy quanh sân. Đến tầm 9 giờ, khi mặt trời lên cao, cũng chính là thời điểm lý tưởng để các cô gái bước vào các bài tập căng sức.
Trời càng về trưa, ánh nắng rọi xuống mỗi lúc một gay gắt, không khí gió biển mang theo hơi nước (có muối) cùng với mặt sân nóng rực, khiến cho bất cứ ai dù chỉ đứng một lúc thôi cũng cảm thấy bỏng rát. Ấy vậy mà hàng ngày, các cô gái của đội tuyển bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa duy trì đều đặn lịch tập hai buổi, còn những lúc bước vào mùa giải mới thì lịch tập, cường độ các bài tập nặng hơn, có lúc kéo dài đến giữa trưa, sẩm tối. Môi trường tập luyện khắc nghiệt, vất vả là thế, nhưng vì đam mê, tất cả đối với các nữ VĐV rất đỗi bình thường.
Cả người nhễ nhại mồ hôi, tranh thủ chút thời gian ít ỏi nghỉ uống nước để hồi sức, VĐV Thanh Trâm cười nói: “Tụi em tập như vậy quen rồi. Trời càng nắng gắt và gió mạnh thì càng phải tập luyện để không chỉ duy trì nền tảng thể lực, mà còn quen với thời tiết để khi đến nơi khác thi đấu sẽ không bỡ ngỡ”. Theo chia sẻ của Thanh Trâm, mới đây, đội bóng có chuyến thi đấu giải quốc gia tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Thời điểm giải diễn ra, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nên gió rất mạnh, các VĐV tham dự giải chỉ đứng một chỗ thôi đã khó. Nhưng vì thường xuyên tập luyện trong môi trường khắc nghiệt nên các VĐV của Khánh Hòa nhanh chóng biết cách biến cái khó ấy trở thành lợi thế và giành phần thắng.
Đam mê và nghị lực vượt khó
Đối với nghiệp thể thao, muốn gặt hái thành công trước hết phải đam mê, nỗ lực vượt khó tập luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện bản thân. Đối với các VĐV nam, để có được những điều đó đã là chuyện không dễ. Với các VĐV nữ, đặc biệt là trong môi trường khắc nghiệt của môn bóng chuyền bãi biển, họ còn phải đánh đổi cả tuổi trẻ, sắc đẹp, thậm chí là hạnh phúc cá nhân.
Cô gái vàng của bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa Nguyễn Thị Thanh Trâm (quê huyện Cam Lâm) đến với môn thể thao này khá trễ. Thời học phổ thông, khi tham gia thi đấu Hội khỏe Phù Đổng tỉnh, dù chưa có ý niệm gì về môn bóng chuyền bãi biển, song với đam mê quả bóng hai màu vàng - xanh, lại sở hữu chiều cao, sức bật lý tưởng, cô gái này lập tức được các tuyển trạch viên đội tuyển tỉnh chiêu mộ. Sau ít năm rèn luyện kỹ năng cơ bản ở đội trẻ, đến năm 2012, Thanh Trâm nhanh chóng được đẩy lên đội chính thi đấu. Sau đó, Thanh Trâm được triệu tập vào thành phần tuyển trẻ quốc gia. Cơ hội để tạo nên bước ngoặc cuộc đời ấy đã được Thanh Tâm tận dụng bằng tất cả sự đam mê, quyết tâm và hiện thực hóa bằng 2 chiếc huy chương vàng (HCV) liên tiếp ở hai kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII và lần thứ IX. “Ban đầu, tôi chưa có mường tượng gì về môn bóng chuyền bãi biển. Tuy vậy, sau thời gian khổ luyện, tôi thấy bản thân mình dần hoàn thiện. Đặc biệt là tính kiên trì và nghị lực vượt khó, bởi nếu không có những đức tính này sẽ không thể trụ vững cho đến ngày nay”, Thanh Tâm chia sẻ. Được biết, đến nay, dù đã ngấp nghé tuổi 30 song Thanh Tâm vẫn chưa có người yêu. Theo tâm sự của cô gái vàng bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa, có lẽ duyên chưa tới, hay do quá chú tâm cho đam mê sự nghiệp bóng chuyền bãi biển nên chưa có thời gian kiếm tìm.
Tuyết Ngân và Thanh Trâm là cặp bài trùng trong đội hình nữ bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa vừa giành HCV Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Tuy nhiên, hành trình đến với thành công của Tuyết Ngân vất vả hơn rất nhiều. Vào đội bóng chuyền bãi biển tỉnh thuộc lứa VĐV trẻ năm 13 tuổi (2006), Tuyết Ngân lúc ấy chỉ biết học và chơi bóng. Ít năm sau, gia đình có biến cố lớn khi mẹ mất, cha cô lại bệnh nặng, không thể làm việc nặng, một mình Tuyết Ngân vừa đi học, tập luyện, kiếm tiền xoay xở cho gia đình, lo cho cha và hai em gái. Từ những khó khăn “cơm áo gạo tiền” ấy mà trong thời gian dài, chặng đường sự nghiệp của Tuyết Ngân cũng bấp bênh. Tuy vậy, được sự động viên, tạo điều kiện của huấn luyện viên trưởng đội bóng, cùng các chị em trong đội tuyển, Tuyết Ngân dần vượt qua khó khăn và lấy lại phong độ. Trong năm 2022, đặc biệt là kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, Tuyết Ngân đứng cặp với Thanh Trâm, cùng với cặp đấu Lan Nguyên - Tường Vy đã xuất sắc giành HCV. Qua đó, giúp các nữ VĐV đội tuyển bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa lần thứ 3 liên tiếp bước lên bục vinh quang ở giải đấu này. Niềm vui thành công trên bước đường sự nghiệp chưa được bao lâu, đợt Tết Nguyên đán vừa qua, cha cô không may qua đời. Ở tuổi 30 với gia đình nhỏ (người chồng mới cưới), Tuyết Ngân chỉ hi vọng mình còn đủ sức khỏe để tiếp tục theo đuổi đam mê.
Hiện tại, bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa với sự góp mặt của các VĐV nam, nữ Câu lạc bộ Sanvinest đang được coi là một trong số trung tâm mạnh nhất cả nước. Bên cạnh những huy chương tại các tour đấu quốc gia, giải mở rộng hay kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc, các VĐV bóng chuyền bãi biển Khánh Hòa còn là lực lượng nòng cốt của tuyển quốc gia tại các giải khu vực Đông Nam Á, châu Á. Tuy gặt hái được nhiều thành tích và trải qua những khó khăn vất vả nhưng các nữ VĐV bóng chuyền bãi biển thường ít được người hâm mộ biết đến, quan tâm, đầu tư như những đồng nghiệp ở sân đấu bóng chuyền trong nhà. Đây quả thực là sự thiệt thòi, bởi những “bông hồng trên cát” này cũng cần lắm những yêu thương.
A.N