Chuyện đời của cựu vận động viên khuyết tật

Thứ tư - 22/02/2023 17:45
Một ngày đi trên đường Ngô Gia Tự (TP. Nha Trang), tôi vô tình nhìn thấy người đàn ông khuyết tật làm nghề sửa giày cạnh Đền thờ Hùng Vương. Bắt chuyện mới biết, ông là Trần Việt Văn - vận động viên khuyết tật nổi tiếng một thời của tỉnh. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Chuyện đời của cựu vận động viên khuyết tật

Một ngày đi trên đường Ngô Gia Tự (TP. Nha Trang), tôi vô tình nhìn thấy người đàn ông khuyết tật làm nghề sửa giày cạnh Đền thờ Hùng Vương. Bắt chuyện mới biết, ông là Trần Việt Văn - vận động viên (VĐV) khuyết tật nổi tiếng một thời của tỉnh.


Duyên nợ với thể thao


Ông Trần Việt Văn (sinh năm 1971) quê ở tỉnh Phú Yên, lớn lên ở Nha Trang. Mắc bệnh bẩm sinh khiến đôi chân teo tóp, nên ngay từ nhỏ, cậu bé Văn đã gần như mất đi khả năng di chuyển. Lúc đầu, cậu rất tự ti; nhưng khi lớn lên, cậu suy nghĩ tích cực hơn. Cậu thường chống nạng ra ngắm cảnh biển và ước mơ được bơi đã khiến một lần cậu thử liều trút bỏ đôi nạng để hòa mình vào nước biển trong xanh. “Lúc đầu, tôi bị uống nước miết thôi. Tập riết rồi tôi cũng có thể bơi như người bình thường”, ông Văn nhớ lại.

 

Những tấm huy chương và hình lưu niệm của vận động viên khuyết tật Trần Việt Văn.

Những tấm huy chương và hình lưu niệm của vận động viên khuyết tật Trần Việt Văn.


Năm 1989, sau khi học hết lớp 10, chàng thanh niên Trần Việt Văn xin ba mẹ vào TP. Hồ Chí Minh để tự kiếm sống, cũng là cách để thử thách bản thân. Những ngày đầu vào thành phố, ông bán vé số để mưu sinh; sau đó làm thợ cắt vải cho tiệm may để kiếm thêm thu nhập. Rồi tình cờ ông biết đến Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thể thao cho người khuyết tật. Được sự động viên và giúp đỡ của bạn bè, ông gia nhập CLB, bắt đầu chơi thể thao với môn bóng bàn và bơi lội. Tại Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc năm 1998, ông thi đấu cho đội TP. Hồ Chí Minh và giành Huy chương bạc môn bóng bàn. Năm 1999, ông giành được Huy chương vàng môn bơi lội.


Đến năm 2000, ông Văn về lại Nha Trang. Với số tiền dành dụm, cộng thêm tiền thưởng từ các giải thi đấu, ông tập hợp những người khuyết tật tham gia tập luyện thể thao. Một năm sau, với danh nghĩa Đoàn thể thao người khuyết tật tỉnh Khánh Hòa, nhóm của ông Văn tham gia giải thể thao khuyết tật toàn quốc và có 2 VĐV được nhận huy chương. Tháng 12-2001, được sự hỗ trợ của Trung tướng Nguyễn Thế Bôn - Chủ tịch Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam và ông Phạm Văn Chi - Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ, nhóm của ông tiếp tục tham gia Cuộc thi thể thao người khuyết tật toàn quốc và ông Văn đã giành được Huy chương đồng ở môn bơi. “Chiến thắng lớn nhất của VĐV khuyết tật không phải kết quả của cuộc đua tài mà là chiến thắng của bản thân, vượt qua sự khiếm khuyết của cơ thể để theo đuổi ước mơ. Đó là động lực để tôi và đồng đội theo đuổi đam mê thể thao”, ông Văn bày tỏ.


Sau này, nhóm của ông tham gia CLB Thể thao người khuyết tật (ông Quang Nhật Mạnh làm chủ nhiệm CLB) do Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh thành lập. Có sự hỗ trợ của Sở Thể dục - Thể thao (hiện nay là Sở Văn hóa – Thể thao) cộng với điều kiện luyện tập tốt, ông Văn cùng các đồng đội đã giành nhiều thành tích rất cao cho thể thao Khánh Hòa. Năm 2002, Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc ở tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Văn giành Huy chương bạc môn bóng bàn, Huy chương đồng môn bơi lội và được chọn thi đấu Para Games 2003 tại Hà Nội.


Chuyện đời bình dị


Năm 2004, ông bén duyên với bà Đào Hồng Lan Phương (quê ở tỉnh Bình Thuận), là nhân viên siêu thị ông hay lui tới để mua đồ khi chuẩn bị luyện tập cho Para Games 2003. Đến nay, tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tổ ấm của ông bà luôn ngập tràn tiếng cười. Năm 2017, để lo cho gia đình, ông đã giải nghệ, phụ vợ nuôi 3 con đang độ tuổi ăn học. Ông mở tiệm khâu vá và sửa giày dép trên đường Ngô Gia Tự.

 

Ông Văn tư vấn tình trạng hư hỏng của giày cho khách.

Ông Văn tư vấn tình trạng hư hỏng của giày cho khách.


Thoăn thoắt phủ keo, đều tay khâu từng mũi kim, ông kể: “Khi còn ở TP. Hồ Chí Minh, tôi sống gần tiệm sửa giày. Những lúc rảnh chạy qua làm phụ để học lỏm nghề. Không ngờ giờ đây, những ngày học mót ấy lại giúp tôi phụ vợ nuôi sống gia đình”. Mỗi đôi giày ông sửa giá dao động chỉ từ 20.000 đến 30.000 đồng. Tính ông kỹ lưỡng nên khách hàng rất thích, một số người còn nhận ra ông là VĐV khuyết tật nổi tiếng một thời của thể thao Khánh Hòa nên đến ủng hộ. Ông Hoàng - khách quen của ông Văn chia sẻ: “Tôi làm công việc lao động tay chân, phải đi lại nhiều nên giày rất nhanh hỏng. Mua đôi mới thì tốn kém nên tôi thường mang ra nhờ ông Văn sửa. Ông Văn rất kỹ tính, cẩn thận nên nhiều khách hàng rất thích”.


Trong câu chuyện đời mình, ông Văn thường nhắc đến vợ với sự trân trọng. Ông vẫn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người khi có người vợ thương yêu hết lòng. Hiện tại, bà Lan Phương làm bếp tại các nhà hàng và bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Tình yêu thương, sự tảo tần của vợ chính là động lực giúp ông vượt qua khó khăn. “Cách đây vài ngày, cả nhà tổ chức sinh nhật cho tôi. Khi con gái út ngây thơ hỏi, ba ước gì trong ngày sinh nhật của mình? Tôi nói, tôi chỉ ước sao cả gia đình luôn mạnh khỏe, cả nhà cùng cố gắng để cho các con ăn học. Còn các con thì cố gắng học tập để mai này có thể cống hiến cho xã hội”, ông Văn kể lại với ánh mắt lấp lánh hy vọng.


 TRẦN HẰNG



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp